Sau khi Dự án Chung cư NO4B1 cao 17 tầng của Lideco tại Khu đô thị Dịch Vọng bị đình chỉ, quận Cầu Giấy (Hà Nội) lại xôn xao khi 1 dự án khác đã xây đến tầng thứ 18 mà... không có giấy phép xây dựng.

Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy vừa đề nghị UBND quận Cầu Giấy đình chỉ tuyệt đối việc thi công dự án toà nhà hỗn hợp do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư trên địa bàn phường Yên Hoà. Theo đó, toàn bộ công nhân thi công tại công trình (trừ bảo vệ) bị đưa ra khỏi công trường. Điện, nước thi công cho dự án bị cắt. Đây là công trình cao ốc thứ 2 trên địa bàn quận Cầu Giấy bị đình chỉ thi công trong vòng 1 tháng qua.

Có nhiều tình tiết phức tạp trong việc đầu tư xây dựng Tòa nhà hỗn hợp của Công ty TNHH Thăng Long. Ảnh: Hà Quang

Trước đó, Dự án Chung cư NO4B1 cao 17 tầng của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) tại Khu đô thị Dịch Vọng (phường Dịch Vọng) cũng bị đình chỉ thi công do xây dựng không phép.

Chủ đầu tư liều lĩnh...

Tuy nhiên, vụ việc này còn ly kỳ hơn so với Dự án Chung cư N04B1 của Lideco tại phường Dịch Vọng ở chỗ, Dự án N04B1 cao 17 tầng của Lideco không giấy phép đã bị đình chỉ ngay khi thi công phần móng; còn dự án của Công ty TNHH Thăng Long tại phường Yên Hoà đã xây đến tầng thứ 18, thì vụ việc mới vỡ lở.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, vào ngày 9/1/2013, UBND phường Yên Hoà đã lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Thăng Long ngừng thi công xây dựng dự án, khi đã xây đến tầng 7. Song sau đó, chủ đầu tư đã không chấp hành lệnh dừng thi công của UBND phường Yên Hoà, mà vẫn tiếp tục xây dựng. Đến tháng 4/2014, khi toà nhà đã xây đến tầng thứ 18, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy vào cuộc quyết liệt với việc cắt điện, nước..., thì chủ đầu tư mới dừng lại.

Theo phương án kiến trúc mà Công ty TNHH Thăng Long công bố (và đã bán căn hộ cho nhiều khách hàng), dự án toà nhà hỗn hợp văn phòng và nhà ở này cao 27 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng 4.846 m2, trong đó, diện tích xây dựng là 1.448 m2, với xấp xỉ 40.000 m2 sàn. Câu hỏi đặt ra là, vì sao đã có yêu cầu tạm dừng từ phía cơ quan chức năng từ đầu năm 2013, mà chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tiến hành thi công? Vì sao chủ đầu tư có thể xây dựng một dự án “khủng” mà không cần giấy phép (?!).

... và giỏi luồn lách

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, để có công trình xây dựng Dự án toà nhà hỗn hợp trên địa bàn phường Yên Hoà cao 27 tầng (với 17 tầng đã xây dựng), chủ đầu tư đã thực hiện chiến lược bài bản, bền bỉ.

Ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long cho biết, từ năm 2006, Công ty bị thu hồi đất tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để làm trụ sở Bộ Công an. Đổi lại, Công ty được UBND TP. Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy chuyển về khu đất thuộc Tổ 50, phường Yên Hoà để xây dựng toà nhà văn phòng cao 17 tầng làm trụ sở Công ty.

Trên cơ sở đó, Công ty đã trình phương án kiến trúc, hồ sơ thiết kế cơ sở và lần lượt được Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng TP. Hà Nội chấp thuận. Theo ông Đức, với các hồ sơ này, căn cứ theo Thông tư số 09/2005/TT - BXD ngày 6/5/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Nghị định số 16/2005/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì dự án này thuộc diện được miễn phép xây dựng (do công trình đã có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế).

Theo hồ sơ thiết kế ban đầu (từ những năm 2006 - 2007) được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc và Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở, toà nhà chỉ cao 17 tầng và có chức năng làm văn phòng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không xây dựng toàn bộ dự án theo phương án kiến trúc này, mà từng bước tìm phương án nâng chiều cao (từ 17 tầng lên 27 tầng) và thay đổi chức năng của toà nhà (từ văn phòng thành toà nhà hỗn hợp).

“Đến giai đoạn từ năm 2008 đến 2010, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng văn phòng làm việc và cho thuê trên khu đất ao lầy, ruộng sâu chưa có cơ sở hạ tầng càng gặp nhiều khó khăn. Công ty đã báo cáo UBND TP. Hà Nội xin chuyển một phần diện tích văn phòng sang nhà ở và nâng thêm tầng. Đề nghị này của Công ty TNHH Thăng Long đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận”, ông Đức trình bày.

Đến năm 20011, qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp và thay đổi trong các các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư đã khéo léo chuyển chức năng của toà nhà từ văn phòng đơn thuần thành văn phòng - nhà ở.

Với phương thức vừa làm, vừa điều chỉnh, Công ty Thăng Long đã xây dựng trót lọt toà nhà 17 tầng. Những tầng dưới đã được xây vách ngăn và gắn cửa sổ, cửa ra vào. Khi xây dựng đến tầng 18 (quá 1 tầng so với hồ sơ thiết kế ban đầu), thì công trình đã bị UBND phường Yên Hoà và Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy ra quyết định tạm dừng thi công, cắt điện, nước (từ tháng 4/2014). Cụ thể, UBND phường Yên Hoà đã lập biên bản yêu cầu Công ty tạm ngừng thi công, thậm chí yêu cầu cơ quan chức năng như Điện lực Cầu Giấy ngừng cấp điện cho dự án.

Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn qua mặt được cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, phường Yên Hoà; vẫn được cấp điện và tiếp tục thi công xây dựng công trình. Vụ việc tiếp tục bị cáo giác và Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy là ông Trần Việt Hà đã chấp thuận đề xuất của Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy, đó là áp dụng biện pháp cưỡng chế, đình chỉ thi công.

Vậy bằng cách nào mà cả 1 toà nhà rộng gần 1.500 m2 được xây tới 17 tầng trót lọt, bất chấp các đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng? Việc lập biên bản tạm dừng thi công của UBND phường Yên Hoà năm 2013 là đúng hay sai, số phận dự án sẽ được định đoạt như thế nào...(?) Báo Đầu tư tiếp tục thông tin vụ việc đến độc giả trong những số báo tiếp theo.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.