Phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp có thu nhập rất thấp, lương của họ không thể tích lũy đủ để mua nổi một căn nhà có giá 600-700 triệu đồng. Giá như vậy vẫn là cao.

Hội thảo khoa học “Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và Khu công nghiệp”.

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và Khu công nghiệp”.

Việc đầu tư xây dựng phát triển loại hình nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho người có thu nhập thấp có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định chỗ ở, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, mang lại hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cùng những cơ chế tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn… để xây dựng loại hình nhà ở này và người thu nhập thấp đang sinh sống và làm việc tại đô thị và khu công nghiệp (KCN) có chỗ ở.

Song trên thực tế, việc thực hiện chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp nói riêng và nhà ở xã hội nói chung, còn có những hạn chế, bất cập làm cản trở quá trình hiện thực hóa cơ chế, chính sách tốt đẹp của Chính phủ đối với vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, nhà ở dành cho công nhân lao động vẫn còn rất khó khăn, trong khi xu hướng người lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngày càng cao.

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện ở 21 địa phương trên cả nước có công nhân lao động từ gần 9.000 đến 900.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đông nhất là tỉnh Bình Dương, có 875.000 công nhân lao động. Trung bình của 21 địa phương có 35,3% số công nhân lao động tự thuê nhà dân xây dựng gần các khu công nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, nhu cầu nhà ở đối với công nhân luôn ở mức cao. Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại các đô thị, khu công nghiệp, hầu hết các ý kiến cho rằng, cần thay đổi phương thức đầu tư nhà ở xã hội hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua.

Doanh nghiệp đầu tư dự án như nhà ở thương mại, nhưng phải dành tỷ lệ % nhất định từ 20-50% tùy từng dự án theo quy hoạch để xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích nhỏ chỉ 25-45 m2/căn.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp có thu nhập rất thấp, lương của họ không thể tích lũy đủ để mua nổi một căn nhà có giá 600-700 triệu đồng. Giá như vậy vẫn là cao.

Nên chăng, cần tính đến phương án đưa ra những căn hộ với giá thấp 200- 300 triệu đồng một căn, hoặc tăng cường phân khúc nhà cho thuê giá rẻ, mới có thể đáp ứng nhu cầu của phần lớn người thu nhập thấp hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc xem xét việc tổ chức các khu nhà ở công nhân tập trung bằng nhiều nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn của doanh nghiệp đóng góp theo tỷ lệ số công nhân và kinh phí đóng góp của doanh nghiệp cũng như phân bổ vào giá thành sản phẩm…

D.Phương (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.