Từng xử lý nợ xấu ở các NHTM khi còn đảm nhiệm cương vị lãnh đạo NHNN, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng nếu để các NHTM tự kéo dài thời gian xử lý nợ xấu thì lãi suất sẽ còn cao, “con tàu” kinh tế sẽ rất trì trệ. Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Đức Thúy cho biết:

Đầu tháng 7, Thanh tra NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM tính đến ngày 31-3-2012 là 8,36%, con số rất cao so với trước đó (chỉ khoảng 3-3,4%). Và từ đó đến nay nợ xấu tiếp tục tăng lên.

Vì vậy, yêu cầu công khai nợ xấu của Chính phủ là có chủ đích nhằm tránh tình trạng các NHTM tìm cách giấu nợ xấu, trong khi NHNN dù biết nhưng cũng khó khi công bố ra công chúng. Hiện nay, khi đã giao quyền tự chủ thực sự cho các NHTM, NHNN có thể dùng những chỉ tiêu gián tiếp mang tính thị trường buộc các NH phải tự xác định nợ xấu để xử lý, thay vì đưa ra những cơ chế quản lý theo kiểu hành chính.

Đơn cử, nếu quy định các NHTM không được mở chi nhánh khi nợ xấu tăng quá 5%, các NHTM sẽ tìm cách che dấu tình trạng nợ xấu thật của NH mình. Vì vậy, cách khôn ngoan nhất là đưa ra “sợi lạt mềm” để buộc chặt được cả NHTM khỏe và yếu.

PHÓNG VIÊN: - Nếu sử dụng biện pháp hành chính vẫn dễ quản lý và thể hiện vai trò quản lý của NHNN hơn?

Ông LÊ ĐỨC THÚY: - Đúng là có quan niệm quản lý dễ nhất là ra lệnh bằng biện pháp hành chính và ai cũng nghĩ rằng sẽ dễ có hiệu lực. Nhưng thực tế biện pháp thị trường cũng thể hiện vai trò của NHNN rất lớn. Chẳng hạn NHNN quản lý tăng trưởng dư nợ bằng nhiều cách.

Thứ nhất, nếu dư nợ tăng quá cao, cần chống lạm phát giảm dư nợ xuống, NHNN có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc.

Thứ hai, có thể sử dụng những lãi suất chỉ đạo của NHNN và cơ chế cung ứng tiền để tác động đến lãi suất thị trường.

Thí dụ, NHNN muốn hạ lãi suất huy động xuống 9% sẽ đưa ra điều kiện NHTM muốn vay lãi suất 9% đến NHNN cho vay. Khi đó NHNN với vai trò người cho vay cuối cùng và NHTM nào không vay được của dân lãi suất 9% thì đến vay NHNN.

Đây là chức năng NHNN. Điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường nghe có vẻ NHNN không có quyền hành, nhưng thực sự rất có nhiều quyền hành.

Lãi suất cho vay có giảm tiếp còn phụ thuộc
vào việc giải quyết nợ xấu của các NH. Ảnh: L. ANH

- Vậy thời điểm này NHNN có thể sử dụng cơ chế cung ứng tiền và công cụ lãi suất để kéo mặt bằng lãi suất xuống nữa?

- Trong điều kiện hiện nay không đơn giản và không thể giải quyết theo thông lệ với nguyên tắc thị trường.

Thí dụ trong 2,6 triệu tỷ đồng tổng dư nợ, ít nhất có khoảng 10% là nợ xấu, tức khoảng 260.000 tỷ đồng nợ không sinh lời, nhưng NHTM vẫn phải kiếm đủ 260.000 tỷ đồng để trả cho những người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Điều này cho thấy thanh khoản thực sự của các NHTM rất khó khăn.

Thứ hai, lãi vay từ khoản nợ xấu không thu được đồng nào nhưng phải trả lãi cho tiền gửi huy động từng vượt trần trước đó (13-14%/năm), làm sao các NHTM có thể trả được lãi suất ấy nếu không cho vay lãi suất cao hơn. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường bị méo mó vì nợ xấu như vậy không thể sử dụng công cụ thị trường và bao nhiêu tiền bơm ra cũng khó đủ.

Chính vì thế mới đặt vấn đề giải quyết cục nợ xấu. Đấy là tình thế khủng hoảng, tình thế bất thường của cuộc sống. Một số nhà khoa học cho rằng NH gây ra nợ xấu thì NH phải chịu.

Nhưng “con tàu” kinh tế đang bị buộc một tảng đá nặng của nợ xấu, tốc độ có thể chậm lại hoặc có thể bị chìm đi nếu không xử lý tảng đá ấy.

- Theo ông, hiện nay đã lập đáy của lãi suất huy động và cho vay?

- Lãi suất huy động có giới hạn, trong đó có giới hạn mức độ lạm phát, kỳ vọng và lòng tin của người dân. Nếu lãi suất giảm quá nhanh người dân sẽ dần chuyển vốn tiền gửi qua các kênh khác như vàng, chứng khoán, bất động sản…

Còn lãi suất cho vay có thể hạ xuống nữa trong bối cảnh hiện nay bởi cầu tín dụng quá yếu. Một số NHTM mạnh không có nợ xấu lớn vẫn cần cho vay để tồn tại, do đó cạnh tranh giành giựt khách hàng tốt sẽ rất khốc liệt.

Thực tế, có những doanh nghiệp làm ăn tốt cho biết nhiều NHTM mời chào lãi suất vay vốn rất rẻ. Ngược lại, khi doanh nghiệp kêu không vay được vốn cần phải xem lại sức khỏe của doanh nghiệp đó.

Chính vì vậy, chính sách lãi suất có thể hình thành mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn hiện nay. Còn thấp nhiều hay ít lại phụ thuộc vào việc giải quyết nợ xấu của các NHTM.

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng có thể xử lý nợ xấu bằng việc kéo dài thời gian?

- Sở dĩ những nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha… khẩn cấp xin cứu trợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vì nếu không có nguồn vốn lớn để xử lý sớm nợ xấu, với cơ chế có vay phải trả các nước này sẽ lâm vào khủng hoảng. Nếu việc xử lý nợ xấu kéo dài 15-20 năm sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Trước đây khi xử lý nợ xấu, bên cạnh vốn Nhà nước bơm ra để xử lý chủ yếu cho khu vực nhà nước và xóa nợ cho những khoản vay của tư nhân, nông dân liên quan đến vay chính sách (khắc phục bão số 5, tôn nền làm nhà…), phần còn lại được các NHTM xử lý bằng trích dự phòng rủi ro và bán dần tài sản siết nợ với thời gian xử lý trong vòng vài năm.

- Nhưng liệu giải pháp này có phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM rất lớn?

- Không thể lấy cái cũ để làm thước đo cho cái mới, nhưng về nguyên tắc nợ xấu của NH là nguy cơ xấu của nền kinh tế và khi nó đã lớn đến mức tự các NHTM không xử lý được, Nhà nước phải can thiệp. Một số ý kiến cho rằng NHTM nào có nợ xấu thì NH đó tự bỏ dự phòng rủi ro ra xử lý và bớt lợi nhuận đi.

Thực tế thời gian gần đây khi xử lý nợ xấu các NHTM cũng phải chấp nhận không chia lợi nhuận. Nhưng như thế cũng không đủ, bởi nếu cứ chờ xử lý kiểu ấy nền kinh tế khó hồi phục. Vì vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là Chính phủ có dám bỏ ra một số tiền lớn, bằng cách này hay cách khác, để xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó cũng phải tăng trích dự phòng rủi ro và không chia lợi tức ở những NHTM xấu, có nguy cơ NHNN phải trợ cấp.

Ngoài ra, NHNN cũng có thể cho các NHTM có nợ xấu vay vốn thông qua NHTM quốc doanh nhưng yêu cầu có tài sản thế chấp. Và tất yếu các NHTM có nợ xấu cũng phải trả giá vì đã gây ra nợ xấu.

- Xin cảm ơn ông.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.