Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, căn cứ vào tình hình thanh khoản hiện nay thì NHNN hoàn toàn có điều kiện để dỡ bỏ trần lãi suất huy động, vì sẽ không sợ tình trạng đua lãi suất.
Hiện nay dù trần lãi suất huy động vẫn giữ ở 7,5% nhưng lãi suất tiền gửi tại nhiều nhà băng đã điều chỉnh giảm từ đầu tháng 5. Các ngân hàng (NH) quốc doanh đã rục rịch đưa lãi tiền gửi về 5-6% một năm với kỳ hạn từ 1-3 tháng. Đến nay, mức lãi suất huy động thấp nhất kỳ hạn 1 tháng được ghi nhận chỉ còn 5%/năm tại Agribank. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, các NHTM được tự thỏa thuận lãi suất nhưng cũng chỉ xoay quanh 8%/năm.
Thực ra trần lãi suất huy động được đưa ra vào năm 2011 để "siết” lại mặt bằng lãi suất. Khi đó, các nhà băng đua nhau huy động với lãi suất cao để thu hút tiền gửi khi thanh khoản có vấn đề. Hậu quả là, một lượng vốn lớn mà họ huy động với giá đắt đỏ đã được các nhà băng này cho vay ra nền kinh tế với lãi suất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng nay theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, căn cứ vào tình hình thanh khoản hiện nay thì NHNN hoàn toàn có điều kiện để dỡ bỏ trần lãi suất huy động, vì sẽ không sợ tình trạng đua lãi suất. Việc giảm mặt bằng lãi suất hiện nay đã tác động tích cực tới thanh khoản nên các nhà băng sẽ không cạnh tranh nhau đưa lãi suất lên cao hơn.
Các chuyên gia cũng khẳng định, cả thị trường và các NHTM nhỏ tỏ ra khá sẵn sàng cởi bỏ "trần lãi suất”. Tuy nhiên, "vẫn cần phát súng lệnh từ NHNN. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ mang ý nghĩa tích cực không chỉ đáp ứng kỳ vọng về việc hạ nhiệt mặt bằng lãi suất chung của thị trường một cách thực chất, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt của NH. Ngân hàng nào uy tín thì lãi suất thấp vẫn được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Khi tự do hóa lãi suất ngắn hạn sẽ có nhiều cơ sở hơn để hạ lãi suất tổng thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhiều người lo ngại "quan trọng là thị trường sau khi bỏ trần” sẽ ra sao? Lãnh đạo một số NH khẳng định, họ không dại gì lao vào cuộc đua lãi suất huy động, như thế có nghĩa là "tự chui đầu vào rọ”.
Giới chuyên gia cũng khẳng định, nếu bỏ trần, sẽ có một vài NH yếu dâng lãi suất, nhưng xu hướng đó chắc chắn sớm dừng lại. Vốn NH đang bị tắc, NH đang phải lụy khách hàng vay vốn. Do vậy, NH không thể để chi phí giá vốn của mình lên cao bằng huy động cao.
Lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: "Ngân hàng không thiếu vốn. Khi bỏ trần, các NH sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh giá, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn, đó mới là điều tốt cho thị trường”.
Hồ Hương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.