Vụ Thị trường châu Âu thuộc Bộ Công Thương hôm nay (12-9) vừa có văn bản khẳng định những lo ngại về việc ngành thép Việt Nam sẽ bị phá sản khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakstan (VCUFTA) được ký kết là không có căn cứ xác đáng. Nhưng phía doanh nghiệp thì nghĩ khác.

Ngành thép trong nước lo bị cạnh tranh dữ dội bởi thép Nga - Ảnh: Văn Nam

Theo Vụ Thị trường châu Âu, trong quá trình đàm phán VCUFTA, phía liên minh hải quan cũng đặt ưu tiên hàng đầu việc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị …

Riêng đối với mặt hàng thép, Vụ Thị trường châu Âu giải thích rằng trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan, chỉ có một số loại thuộc danh mục do Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị được bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế.

Về tổng thể, phía liên minh có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng sắt thép mà Việt Nam không sản xuất, phía liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam và phía liên minh thống nhất việc đàm phán phải theo nguyên tắc trao đổi có đi có lại, xét trên tổng thể cân bằng lợi ích chung, cho phép có lộ trình cắt giảm thuế nhất định đối với một số mặt hàng thuộc nhóm các mặt hàng nhạy cảm của các bên (tức là không phải đưa ngay về mức thuế suất 0% khi hiệp định có hiệu lực).

Cũng theo Vụ Thị trường châu Âu, về mặt địa lý, Nga là đất nước rộng lớn và những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung nước Nga, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy từ Nga về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam.

“Do vậy, những lo ngại về việc ngành thép sẽ bị phá sản khi VCUFTA được ký kết là hoàn toàn không có căn cứ xác đáng”, Vụ Thị trường châu Âu khẳng định.

Trao đổi với TBKTSG, ông Phạm Chí Cường, một chuyên gia trong ngành thép (ông Cường nguyên là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) cho rằng ông không tán thành với lập luận của Vụ Thị trường châu Âu về việc sắp thép chở từ Nga về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với các loại thép tương tự đang bán tại Việt Nam.

Bởi theo ông Cường, từ nhiều năm qua chứ không phải mới đây, đã có nhiều loại sắt thép, phôi được nhập từ Nga về bán tại thị trường Việt Nam; thậm chí có thời điểm thép tấm cuộn (thép thành phẩm) nhập từ Nga về Việt Nam có giá rẻ đến nỗi doanh nghiệp tại TPHCM mua về cắt thành thép dây bán vẫn có lãi.

Mới đây, theo nội dung bản chào khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA), dự kiến Việt Nam sẽ cắt giảm hơn 167 mã hàng hóa của ngành thép về 0% kể từ đầu năm 2015 đã khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước “đứng ngồi không yên”.

Theo phản ánh của Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp thép sau khi dự cuộc họp với Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Bộ Tài chính về việc này đều bị sốc. Do vậy, Hiệp hội đã gửi văn bản đến Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương hôm 27-8 để phản ánh về mức thuế (dự kiến) cắt giảm chưa hợp lý này.

Vấn đề đặt ra là từ nhiều năm nay, do hàng rào thuế quan cao nên thép Nga hầu như ít xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Hiệp hội Thép Việt Nam đã tỏ ra đặc biệt lo ngại với việc có thể thép Nga sớm xuất hiện trở lại. Vì hiện nay, với tổng sản lượng sản xuất đứng thứ 5 toàn cầu (68,7 triệu tấn/năm), công nghệ sản xuất hiện đại (70% sản xuất bằng lò cao), đã có sẵn thị phần 8,1% sản phẩm xuất khẩu vào châu Á và chi phí sản xuất tốt thì chỉ cần VCUFTA được thông qua, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng tại châu Á, nhất là Việt Nam.

Bởi xét về mặt địa lý, Nga không quá gần với Việt Nam như Trung Quốc nhưng nếu tính trên giao thông hàng hải, hàng hóa từ cảng Vladivostok, Nga về tới Việt Nam chỉ mất từ 12-15 ngày; tương đương với việc vận chuyển hàng từ các khu vực nhà máy của Trung Quốc (10 ngày). Hiện nay giá vận chuyển một tấn thép từ Viễn Đông của Nga về Việt Nam khoảng 20 đô la Mỹ, cũng tương đương với vận tải đường biển từ các cảng Trung Quốc về Việt Nam.

Như vậy, khi hàng rào thuế quan giữa Nga và Việt Nam được nhanh chóng xóa đi, các ưu đãi Tối huệ quốc (MNF) ở mức thuế từ 7% đến 15% như hiện nay được dỡ bỏ, ngành thép Việt Nam sẽ thêm khốn đốn cạnh tranh với thép Nga.

Một đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, vấn đề không phải là ngành thép xin bảo hộ, mà rất cần một lộ trình cắt giảm thuế giảm dần theo thời gian, 5 hay 10 năm, với các danh mục cắt giảm được tính toán có chọn lọc.

Văn Nam (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.