Lợi dụng nhu cầu thuê trọ tăng cao và sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người, nghề cò nhà đất ra đời và ngày càng nở rộ trong những năm qua. Những người làm nghề này tự xưng mình là người đến từ các công ty bất động sản, nhà đất. Nhưng thực chất, họ là "cò nhà trọ", với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trục lợi từ những người nhẹ dạ.
Những mẩu rao vặt cho thuê phòng trọ không hiếm gặp trên các đường phố lớn của Hà Nội.
Sôi động thị trường… "cò đất"
Năm nào cũng thế, tháng 9 là thời điểm sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội nhập học nên nhu cầu thuê trọ tăng cao. Đó cũng là lúc "cò nhà trọ" vào mùa "béo bở" nhất vì khách hàng, chủ yếu là những tân sinh viên từ các tỉnh, đa số là lần đầu đặt chân đến Hà Nội, có rất nhiều bỡ ngỡ, chưa quen đường đi lối lại, vì thế mà việc tìm được một nhà trọ hoặc phòng cho thuê ưng ý quả là điều khó khăn.
Chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa "cho thuê phòng trọ" hoặc "tìm phòng trọ" thì chúng ta sẽ được vô số kết quả. Bên cạnh những kết quả mà chính chủ tạo ra (thường sẽ có địa chỉ kèm số điện thoại liên lạc cụ thể, miễn trung gian) sẽ có những kết quả do những "cò nhà trọ" tạo ra (có số điện thoại liên lạc nhưng địa chỉ mập mờ hoặc chung chung). "Cò nhà trọ" cũng giống như những người làm nghề môi giới ăn hoa hồng khác, ở đây là giữa chính chủ cho thuê và người có nhu cầu thuê nhà.
Qua tìm hiểu, cách thức hoạt động của những "công ty bất động sản" dạng này khá đơn giản. Những người "chủ cò" sẽ tuyển dụng một số nhân viên (chủ yếu là các bạn sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp mà chưa có chỗ làm ổn định) đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội xem thử chỗ nào đang cho thuê nhà trọ. Hoặc là tìm trên mạng, xem những nhà chính chủ nào đang cho thuê thì đội nhân viên sẽ đi đến đó tìm hiểu.
Sau đó, những người ở "công ty" dạng này tập hợp lại và rao thuê nhà ở một số trang chuyên về lĩnh vực này như "chotot.vn", "batdongsan.com.vn", "rongbay.com", "phongtro123.com", "muaban.net", "chothuetro.com", "nhadat24h.net"…. với những thông tin chung chung, không rõ ràng nhưng nghe rất hấp dẫn để tạo sự tò mò. Vì sốt ruột tìm được nhà sớm nên nhiều người đã vô tình gặp đúng "cò" dạng này
Phí mà các "công ty nhà đất" hoặc "công ty bất động sản" dạng này đưa ra cũng đa dạng với nhiều mức và mỗi nơi một kiểu chẳng nơi nào giống nơi nào. Có thể thống kê 3 loại thường gặp là những người thuê nhà trả cho "cò" số tiền bằng với 1 tháng tiền nhà, nửa tháng tiền nhà hoặc 200-300 nghìn đồng. Số tiền này gọi là công tìm hộ. Thậm chí, mặc dù là thị trường online nhưng để cạnh tranh với những "công ty" khác, có chủ cò còn đưa ra hình thức khuyến mãi, "sale off" như các cửa hàng "sale off" nhan nhản trên đường.
Khi khách hàng gọi điện đến, đồng ý qua với những thỏa thuận thì ngay lập tức, họ sẽ thông báo địa chỉ đại bản doanh của họ để khách qua đặt cọc hoặc trao đổi trực tiếp. Có một đặc điểm thường thấy ở các công ty dạng này, đó là, chưa biết kết quả cần tìm có thỏa mãn hoặc đúng ý khách không nhưng nguyên tắc, bao giờ khách cũng phải trả tiền đặt cọc trước. Và đã có không ít người "há miệng mắc quai" hoặc "đâm lao thì phải theo lao", tặc lưỡi vì cái sự trước này.
Tháng 9 là thời điểm "cò nhà trọ" vào mùa.
Bỏ tiền ra để nhớ… đời
Bạn Nguyễn Thị Hoa, 18 tuổi, quê Nghệ An vừa mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội nhập học kể: "Em và đứa bạn muốn tìm một chung cư mini ở khu vực Đống Đa cho tiện việc đi học của cả ba. Sau 2 ngày đi tìm mà vẫn chưa được, em lên mạng và thấy có người rao còn nhiều phòng chung cư mini Xã Đàn - Tôn Đức Thắng - Khâm Thiên. Em liên lạc theo số điện thoại để lại trên mạng thì người đầu máy kia nói bọn em phải đặt cọc nửa tháng tiền nhà (tương đương 1 triệu đồng). Bọn em đồng ý. Đến khi họ dẫn bọn em đi xem nhà, trời ơi đất hỡi, đó là không phải là một chung cư mini mà là một nhà 6 tầng giống chung cư mà thôi. Khi bọn em thắc mắc, họ lại bảo nó hoạt động như một chung cư.
Tiếp chúng em là một thanh niên có vẻ cũng tử tế. Hỏi thăm giá điện nước đều được. Khi chúng em hỏi xe để đâu thì anh ấy bảo có, yên tâm và yêu cầu chúng em đặt cọc tiền giữ chỗ. Hôm sau bọn em quay lại để làm hợp đồng thuê nhà thì người tiếp lại là một thanh niên khác, trông bặm trợn hơn. Người này vẫn đưa giấy tờ ra để bọn em làm hợp đồng. Nhưng trước đó có nói mấy câu, đại loại ở đây tài sản gì mất, họ không chịu trách nhiệm, rồi tháng vừa rồi cũng đã mất 1 cái xe máy.
Nhiều người phải vay mượn xây nhà trọ để cho thuê lấy tiền.
Chưa hết, anh ta còn kể ở đây toàn con trai thuê, hồi trước phòng này có bọn nào quậy phá dùng thuốc lắc nên Công an vào kiểm tra, nên giờ nó muốn cho con gái thuê để trấn phòng. Nghe xong, bọn em sợ quá, bỏ của chạy lấy người. Rứa là mất 1 triệu đồng. Sau đó, bọn em gọi cho công ty môi giới phản ánh vì sao không tìm hiểu kỹ rồi giới thiệu thì họ cứ bảo à thế à, thế à, rồi việc xảy ra như vậy là do bọn em, chứ họ chỉ có nhiệm vụ giới thiệu thôi. Bọn em ức quá nhưng chẳng làm gì được".
Liên lạc với số điện thoại 01637243xxx của một "chủ cò" tên Hương để lại trên trang thông tin cho thuê phòng trọ, tôi được hướng dẫn đường tới "trụ sở công ty" nằm ngay trên đường Cự Lộc (quận Thanh Xuân). Mặc dù có biển hiệu rõ ràng nhưng nhìn vào sẽ chẳng có ai nghĩ rằng đây là một công ty.
Diện tích phòng hẹp, lại bị mớ bàn ghế lâu không dùng, bụi bám đầy án ngữ xung quanh nên chỗ làm việc của nhân viên chỉ vừa để 1 chiếc bàn đựng máy vi tính và 1 - 2 chiếc ghế cho khách ngồi. So với địa chỉ mà bạn Hoa kể ở trên thì chủ cò ở đây có vẻ "tử tế" hơn khi đưa ra mức phí môi giới chỉ có 200.000 đồng, bao giờ mình hài lòng qua sự giới thiệu của họ thì mới thôi. Và ở đây, các bạn cũng phải gửi tiền phí trước. Nghe phí 200.000 cũng không phải là con số quá cao, tôi vội vàng nhận lời.
Nhà cao tầng trở thành lựa chọn của nhiều người thuê nhà.
Yêu cầu của tôi đưa ra hết sức đơn giản: càng gần chỗ làm càng tốt, vì đặc điểm công việc nên muốn giờ giấc thoải mái, khép kín. "Chủ cò" ở đây cứ một hai em yên tâm thế này thế khác, ở đây làm ăn đàng hoàng, bao giờ vừa ý em mới thôi. Trước khi về, tôi có hỏi hóa đơn thanh toán phí thì "chủ cò" bảo rằng "không cần thiết đâu mà em".
Một ngày sau, công ty nhà đất gọi điện cho tôi thật. Họ giới thiệu một nơi gần cơ quan tôi. Tôi khấp khởi phóng xe đến xem nhà. Đến nơi thì mới biết, nhà chung chủ, chung vệ sinh, hạn chế giờ giấc. Đã thế, chủ nhà kiêm giữ trẻ con ở tầng 1, hôm tôi đến, các cháu nhỏ đứa thì la hét, đứa thì khóc loạn cả lên. Tôi gọi điện yêu cầu tìm nơi khác. Qua vài lần như thế, tôi thật sự nản và bỏ cuộc. Coi như 200.000 đồng là học phí để nhớ… đời!
Thực ra, không chỉ ở Hà Nội mà tại những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… nhu cầu thuê nhà trọ luôn luôn cao. Và cứ không phải tháng 9 mới đông người cần thuê nhà trọ. Việc chuyển đến rồi lại chuyển đi là một điều hết sức bình thường. Chính nhu cầu này mà thị trường "cò nhà đất" luôn trong tình trạng sôi động. Tuy nhiên, đối tượng cần thuê nhà vào tháng 9 chiếm tỷ lệ lớn là các em sinh viên. Lắm chuyện dở khóc dở cười cũng từ sự nhẹ dạ, cả tin của các em mà ra. Quay đi quẩn lại, cũng chỉ làm đầy túi tiền của những người làm cái nghề môi giới này mà thôi.
Hiện nay, vẫn chưa có một cơ quan ban, ngành nào quản lý hoạt động của những "công ty" dạng này. Cũng chưa có "scandal" nào rùm beng dư luận liên quan đến những tranh chấp, kiện tụng. Hầu hết những khách hàng của những "chủ cò nhà trọ" đều tặc lưỡi cho qua, tự nhủ mình đang ăn thì gặp phải hòn sạn. Với lại, nói gì thì nói, họ cũng phải tự trách bản thân nhẹ dạ và tìm hiểu không kỹ. Tự làm tự chịu.
Bạn Bùi Hoàng Nam, 31 tuổi, quê Hưng Yên, người có thâm niên ở trọ gần 10 năm tại đất Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm tìm nhà cho thuê: "Muốn thuê được nhà, bạn phải thử đi tìm trước đã. Có thể tìm trên mạng ở một số trang về nhà đất quen thuộc như chotot, batdongsan… Ghi lại những tin đăng có địa chỉ và số điện thoại rõ ràng, sau khi liên lạc hỏi lại thêm một lần nữa đó có phải chính chủ hay bên dịch vụ, nếu dịch vụ thì thôi.
Chỉ khi nào bạn cảm thấy việc tìm nhà chiếm quá nhiều thời gian và công sức của bạn, bạn mới tìm đến các công ty môi giới nhà đất. Chú ý, phải hỏi kỹ những điều khoản, nội dung và tìm cách đưa ra yêu cầu bao giờ tìm được nhà thì sẽ gửi phí hoặc gửi 1 nửa phí môi giới trước, bao giờ tìm được chỗ vừa ý sẽ gửi nốt một nửa còn lại. Nhưng nói chung, đó là bất đắc dĩ thôi. Rất nhiều bạn bè của mình ngày xưa cũng lao đao vì phó mặc cho các "công ty cò đất". Tự mình đi tìm vẫn là cách hiệu quả nhất".
Đậu Dung (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.