Cũng trong hội thảo nhằm lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 21/3, đề xuất bỏ quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn của Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến tán đồng từ doanh nghiệp.

Hiện có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản lớn nhỏ đang hoạt động trên khắp cả nước. Thời gian qua, quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn đã bộc lộ nhiều bất cập.

Giao dịch tại sàn của Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam.

Sàn giao dịch vốn chỉ làm trung gian cung cấp thông tin, tư vấn, giúp cho hoạt động mua bán được tiến hành thuận lợi và nếu giao dịch thành công thì sàn được hưởng một khoản hoa hồng nhất định nhưng nhiều trường hợp, sàn lại trở thành rào cản giữa doanh nghiệp với khách hàng, làm cho thông tin giá cả sai lệch, giao dịch bị lệch quy luật tự nhiên của thị trường.

Quy định bắt buộc doanh nghiệp khi mua bán, cho thuê bất động sản phải thông qua sàn lại làm tăng thêm thủ tục, chi phí giao dịch. Quy định này thời gian qua đã góp phần đẩy giá và làm lợi cho các tổ chức trung gian, nhất là những sàn giao dịch nhà đất nhỏ lẻ, chủ yếu là môi giới để hưởng chênh lệch giá, chiếm dụng vốn… Ngoài ra, quy định bắt buộc giao dịch qua sàn nhưng không quản lý chặt chẽ cũng giúp cho các doanh nghiệp lách luật trốn thuế.

Vậy có nên dẹp bỏ sàn giao dịch bất động sản? Không thể phủ nhận rằng sự phát triển sàn giao dịch đã tạo thói quen giao dịch có văn bản hợp pháp, thông tin chính xác và đầy đủ, phòng tránh gian lận, lừa đảo và góp phần ổn định thị trường. Ông Nguyễn Việt Khoa, Giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói: “Không thể bỏ sàn giao dịch vì nếu bất động sản trở thành hàng hóa thông thường và giao dịch thoải mái trên thị trường thì việc giám sát và quản lý trở thành bài toán khó cho các cơ quan thẩm quyền, đồng thời Nhà nước cũng khó thực hiện các chính sách thuế”.

Vì vậy, dự luật lần này sẽ sửa đổi theo hướng tiếp tục cho sàn giao dịch hoạt động nhưng chỉ “khuyến khích” cá nhân, tổ chức khi bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch chứ không bắt buộc. Việc tồn tại các sàn giao dịch bất động sản là một nhu cầu tự nhiên, sản phẩm có được giao dịch qua sàn hay không còn tùy thuộc vào tính chuyên nghiệp của các dịch vụ, độ minh bạch về thông tin sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch. Không bắt buộc giao dịch qua sàn bất động sản cũng là cách để các sàn giao dịch bất động sản hình thành và hoạt động theo đúng quy luật điều tiết của nền kinh tế thị trường.

Hơn nữa, việc không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn là cần thiết vì điều này có liên quan đến yêu cầu trình độ, bằng cấp của lực lượng môi giới bất động sản. Việc không bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch sẽ giúp sàng lọc hệ thống môi giới chất lượng, uy tín, có đủ năng lực để đảm nhận công việc trung gian đưa dự án đến cho khách hàng.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời phải chịu trách nhiệm về dịch vụ môi giới mà mình lựa chọn. Tuy nhiên, để đảm bảo sự minh bạch của thông tin từ sàn thì “doanh nghiệp có nhu cầu thì có thể thành lập sàn giao dịch nhưng sàn giao dịch chỉ làm trung gian, không được môi giới sản phẩm chính mình”, đó là góp ý của Luật sư Trần Đức Phượng, Công ty Luật TNHH Hợp Việt (TP. Hồ Chí Minh).

Trọng Đức (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.