Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đầu tư công. Nghĩa là, nếu mọi việc suôn sẻ đúng như dự kiến thì đến kỳ họp giữa năm 2014, dự Luật sẽ được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2015.

Dù cho rằng “hơi muộn”, nhưng TS Nguyễn Đức Kiên, TS Trần Du Lịch và nhiều nhà lập pháp khác đã bày tỏ kỳ vọng Luật Đầu tư công khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần chấm dứt những công trình được đầu tư theo kiểu “tùy hứng”. Bởi lẽ, điểm mới quan trọng nhất của dự thảo Luật Đầu tư công là chuẩn hóa quy trình hình thành chủ trương và ra quyết định đầu tư; đồng thời giám sát quy trình ấy. Công trình, dự án phải được định vị trong kế hoạch 5 năm, 3 năm, hàng năm; trừ những trường hợp cấp bách, bất khả kháng.

Có lẽ, nhờ vậy, sẽ không còn những cây cầu vượt hay hầm bộ hành ra đời chỉ vì “thủ đô nước bạn đã có và đang giải quyết nạn ùn tắc giao thông rất tốt”. Để rồi sau đó, cầu vượt còn gỡ ra để lắp đi chỗ khác được, chứ hầm bộ hành thì “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Có lẽ, sẽ không còn những Cung (điện) thể thao mọc lên giữa phố huyện nghèo, chỉ tấp nập đón khách đúng một mùa SEA GAMES hay thậm chí chỉ một giải đấu quốc gia, rồi quanh năm suốt tháng đìu hiu quạnh quẽ.

Có lẽ, sẽ không còn những nhà hát được hoành tráng khởi công trong khi những cái đang có khó khăn lắm mới được sáng đèn mỗi tháng đôi ba bận.

Có lẽ, cũng sẽ bớt đi những “phong trào” rộ lên rất nhanh rồi tàn lụi cũng rất nhanh; từ làm cảng, làm đường, xây sân bay cho đến làm nhà ở xã hội...

Và như thế, tiền thuế của dân sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Nếu chịu khó tìm hiểu, người dân sẽ biết được là bao giờ dự án A hay công trình B sẽ được triển khai, làm trong bao lâu, tiền từ nguồn nào. Các nhà đầu tư tư nhân nếu muốn tham gia vào các dự án đầu tư công - tư kết hợp sẽ có nguồn thông tin minh bạch và đáng tin cậy hơn; đồng thời không nơm nớp lo liệu nhà mình xây xong có đường vào hay không...

Để được như thế, một Luật Đầu tư công là chưa đủ. Có nhiều dự án luật khác cần phải “chạy” trước hoặc ít nhất là đồng tốc với nó: Luật Ngân sách, Luật Quản lý và sử dụng vốn trong DNNN, Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đó là chưa kể đoạn đường rất dài và sự khác biệt không hề nhỏ từ các văn bản luật đến thực tế cuộc sống.

Nhưng dẫu sao cũng đã có thêm một tín hiệu tốt để hy vọng.

Cẩm Hà (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.