Trong hoạt động mua bán nhà đất, các môi giới chưa chuyên nghiệp, nên đôi khi từ “cò” khiến cả người mua và người bán đều rất dè chừng. Bởi đôi khi, chính bản thân “cò” không biết mình “đậu” ở chỗ nào là hợp lý và có cảm tình nhất.

1 Lòng tham đến từ trong bản chất của loài người, khi ai đó đã ví von hình tượng mọi đứa trẻ sinh ra tay đã nắm chặt. Có nhiều người lớn tuổi, dù thời gian để sống và hưởng thụ trên cõi tạm này chẳng còn bao nhiêu, nhưng vẫn còn làm những việc phi đạo đức và nhân tính để kiếm thêm tiền bạc. Suy cho cùng, con người ta khổ vì lòng tham của mình. Có một triệu thì mong có trăm triệu. Có trăm triệu thì muốn thêm nhiều tỷ. Chẳng biết lúc nào mới thỏa mãn được.

Quy định: “nhân viên môi giới bất động sản phải có bằng đại học” trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đang được Quốc hội lấy ý kiến thông qua đang dấy lên nhiều tranh cãi. Bên bàn trà tuần này, người viết chỉ kể vài câu chuyện đã nghe, đã thấy và đã chiêm nghiệm. Sự kiện vĩ mô không dám lạm bàn, chỉ là những lát cắt vi mô trong đời sống. Và từ đó, hiểu ra được tứ răn dạy của Lão Tử xưa kia: “Tri túc chi túc hà thời túc”, nghĩa là “Biết đủ là đủ tức là đủ”.

Sống trong một xã hội chưa chuyên nghiệp về nhiều lĩnh vực, nên tất cả mọi người đều chấp nhận sự uyển chuyển của đời sống. Thiên biến thì vạn hóa. Nếu vào trong các khu đô thị đang hình thành, bạn sẽ gặp rất nhiều văn phòng môi giới nhà đất. Nói là văn phòng cho oai, thực ra chỉ là chiếc bàn coi cho giống nơi làm việc. Ông hoặc bà chủ nhà vừa cho con ăn, hoặc đang lau nhà, cũng kiêm luôn vị trí tiếp khách tới tìm hiểu mua miếng đất nền, hay căn nhà ở gần đó. Những “văn phòng” này có thể “di động” ra quán cà phê vỉa hè, hoặc thậm chí là nơi ngồi bán từng lít xăng lẻ cho khách lỡ độ đường.

Các môi giới bất động sản riêng lẻ này, được gọi là “cò”. Các “cò” đất không phân biệt tuổi tác, giới tính, từ cô cậu thanh niên 20 tuổi, cho đến ông bà già đã nghỉ hưu. Sáng sáng, chiều chiều, họ lượn khắp các nơi bằng xe gắn máy, hoặc xe đạp (nhân tiện đi tập thể dục), nếu nhìn thấy các bảng hiệu treo trên nhà người khác cần bán hay cho thuê, thì ngay lập tức lưu lại trong sổ. Biển hiệu treo trên nhà ghi số điện thoại liên lạc thì có khi còn nguyên xi, chứ nếu cắm ở miếng đất nào đó thì “cò” lấy đi ngay lập tức. Thậm chí, liên lạc của chủ đất được kẻ bằng sơn ở bức tường hoặc vỉa hè, cũng bị xóa đi vài con số để khách không thể tự “alo” giao dịch thẳng được. Cứ phải qua “cò”. Và “cò” đương nhiên được “ăn” phần trăm của tổng giá trị căn nhà, miếng đất ấy. Chẳng cần gì đến bằng cấp, bổ túc văn hóa cấp 2, chứ đừng nói tới bằng đại học.

“Cò” có mũi thính vô cùng. Ngửi thấy mùi giao dịch sắp thành công, là đã lấy đà chạy tới để xin tiền “hoa hồng”. Chân dung của “cò” ngoài thị trường khác với các nhân viên môi giới nhà đất trong các sàn giao dịch và công ty. Nhếch nhác và kém văn minh hơn hẳn, cho dù ở nghề nghiệp nào cũng có người này, người khác. Vơ đũa cả nắm sẽ không tốt.

2 Mới đây, tôi có người quen bán được căn biệt thự qua “cò”. Chị kể, vì không muốn quá nhiều người để ý, nên không trưng biển bán nhà, mà chỉ đăng tin lên vài trang nhà đất trên mạng. Rồi “cò” biết, dắt khách tới. Khi chủ nhà đang nói chuyện với người mua nhà về sự khó khăn trong cuộc sống dẫn tới việc bán nhà, “cò” nhảy vào góp chuyện: “Chị ở nhà biệt thự còn than thở gì. Em đang ở nhà phố, nhỏ hẹp lắm kìa”.

“Thế chú làm nghề gì, học hành tới đâu?”.
“Thì em làm ‘cò’ đất, chứ có học hành gì đâu!”.

“Tôi làm ở công ty đa quốc gia, bỏ công sức học hành tới bao nhiêu năm, chú so sánh vậy kỳ lắm à nha!”.

Tới đây thì “cò” êm ru, không trả lời, trả vốn gì nữa.

May mắn làm sao, căn nhà lọt vào mắt ưng ý của khách, nên giao dịch diễn ra thuận lợi. Cô khách mua là người rất dễ thương và thoáng tính, không phải phàn nàn điều gì khó chịu cả. Một bữa, cô điện thoại cho chủ nhà, kể chuyện: “Trời đất ơi, chị biết không, cậu Khang ‘cò’ vừa than thở với em, nhận số tiền 80 triệu đồng cho phí môi giới là quá ít. Cậu ấy có làm gì đâu, chỉ dắt em tới nhà chị thôi, mà còn kêu ca vậy. Chắc chị và em cũng phải đi làm ‘cò’, vừa nhàn nhã, vừa thu nhập cao!”.

Nghe xong câu chuyện, chị bạn tôi đang tính nhờ “cò” kiếm miếng đất gần đó để mua, sau khi có khoản tiền bán nhà, thì tự nhiên dị ứng hẳn. Chị nói, sao lòng tham của người ta lại không có đáy như thế. Và sự học hành, bằng cấp ở thời này, lại rẻ rúng đến vậy.

Tri túc - biết đủ, là câu triết lý chỉ dành cho những người có nền văn hóa tốt, dù có khi chỉ là người làm ruộng, làm vườn. Lòng tham đã khiến người sở hữu nó không biết vị trí của mình ở đâu.

“Cò” đậu sai vị trí của mình, thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ, bạn cùng uống trà với chúng tôi?

Đinh Thu Hiền (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.