Đã hiến cả ngàn mét vuông đất xây dựng trường học nhưng sau đó lại bị chính quyền địa phương “lập lờ đánh lận con đen” quản lý luôn hơn 5.000m2 kế bên. Chuyện tưởng như đùa này đã đẩy một gia đình nông dân lâm cảnh cùng quẫn, phải khiếu kiện suốt 23 năm. Điều đáng nói là trong khi đang còn tranh chấp thì khu đất được xây thành lồng chợ, dãy nhà phố bán đấu giá, trong đó có ngôi nhà đồ sộ xây dựng không phép của ông chủ tịch huyện mọc lên như thách thức công luận.

Đã hiến đất lại còn bị lấy thêm

Ông Lê Tấn Hành (SN 1927, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) thừa hưởng phần đất của cha mình là Lê Tấn Chắt để lại với 1.400m2 tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Đất này có nguồn gốc của ông Lê Tấn Sĩ và bà Nguyễn Thị Giác (ông bà nội ông Hành) để lại 5.600m2 (diện tích kê khai, chưa đo thực tế). Năm 1965, sau khi ông Sĩ và bà Giác qua đời, bốn anh em trai gồm: Lê Tấn Chắt, Lê Tấn Cự, Lê Tấn Chống và Lê Tấn Chỏi lập tờ thuận phân, chia đều mỗi người được hưởng 1.400m2. Ngoài diện tích thừa hưởng từ cha mình, ông Hành còn mua thêm của chú ruột là Lê Tấn Cự 1.000m2, tổng cộng 2.400m2. Tất cả việc thỏa thuận phân chia, mua bán đất đai giữa các anh em đều thể hiện qua giấy tờ có xác nhận của chính quyền địa phương (cũ). Thực ra diện tích kê khai 2.400m2 này vào năm 1990 gia đình ông Hành cùng Thanh tra huyện, Ban quản lý ruộng đất kết hợp đo thực tế là 10.004m2 (gấp 4 lần kê khai ban đầu). Nhưng do trước đó vào năm 1958, ông Chỏi đại diện anh em trong gia đình làm tờ hiến một phần diện tích đất trong tổng số 5.600m2 cho Hội đồng xã Sơn Định làm trường học với thời hạn 15 năm. Phần đất hiến sau này nằm trong diện tích ông Chắt được phân chia. Hết thời hạn 15 năm gia đình không yêu cầu trả lại nên sau giải phóng chính quyền mới đã tiếp quản. Không biết do nhầm lẫn hay cố ý mà chính quyền đã quản lý luôn phần đất bên cạnh ông Hành được tương phân và đang canh tác.

Mảnh đất hiến làm trường học sau này được cơ quan chức năng đo đạc có diện tích 4.036m2. Như vậy nếu lấy diện tích thực tế ông Hành được thừa hưởng từ cha mình và mua thêm là 10.004m2 trừ đi phần đất đã hiến làm trường thì nhà nước phải trả lại cho gia đình ông 5.968m2. Năm 1990 cùng với chính sách trao trả lại đất cho một số hộ đã bị quản lý trước đó, ông Hành cũng làm đơn xin lại nhưng không được giải quyết. Tháng 7-1990, ông gởi đơn khiếu nại đến UBND và Huyện ủy Chợ Lách đòi lại quyền sở hữu khu đất của gia đình.

Ngày 24-7-1992, Chánh thanh tra huyện Chợ Lách - Bùi Quang Dẩu (hiện vẫn đương nhiệm) đã có Thông báo 04/TT-TB trả lời đơn khiếu nại của ông Hành, thừa nhận phần đất có nguồn gốc và quá trình sử dụng như trên nhưng lại không giải quyết theo đơn yêu cầu của ông với lý do: về phần diện tích và nguồn gốc đất theo gia đình khai với chế độ cũ là 5.600m2, nhưng thực tế cơ quan Thanh tra huyện kết hợp Ban quản lý ruộng đất huyện và gia đình ông Hành đo lại thực tế là 10.004m2, như vậy còn thừa 4.404m2. Tuy nhiên gia đình không khai trong sổ bộ của chế độ cũ, thực tế để cho một số hộ bà con mướn, cất nhà ở cho đến năm 1975. Vì thế, căn cứ vào Luật đất đai, nhà nước sẽ quản lý diện tích trên.

Thực ra năm 1965 thửa đất diện tích 5.600m2 đã được chia cho 4 người con thì còn đâu để ông Dẩu “cộng trừ” ra số đất thừa còn lại là 4.404m2? Hơn nữa ông chánh thanh tra huyện căn cứ vào đâu để cho rằng đất ông Hành sử dụng bao đời nay lại không kê khai trong sổ địa bộ của chế độ cũ? Thực tế tất cả tài liệu về đất đai mà gia đình còn lưu giữ cũng như tờ hiến đất xây trường cho Hội đồng xã Sơn Định năm 1958, tờ giao kèo thuận phân năm 1965 (có xác nhận của chính quyền địa phương lúc bấy giờ) đều thể hiện mảnh đất này thuộc sổ địa bộ cũ 85, sổ mới 634, 635. Mặt khác, ông Dẩu căn cứ vào khoản nào của Luật đất đai lúc bấy giờ để ra quyết định nhà nước sẽ “quản lý” đất của dân? Tháng 7-1993, do quá bức xúc nên trên đường khiếu kiện, ông Hành bị đột quỵ phải cấp cứu. Trước lúc lâm chung, ông gọi các con đến dặn phải đòi lại mảnh đất do cha ông tạo lập và chị Lê Thị Lệ Chi (SN 1962) được ủy quyền thực hiện di nguyện của cha mình.

Chưa thu hồi vẫn vô tư đấu giá

Mặc dù từ năm 1993 chị Chi liên tục gởi đơn khiếu nại đến UBND huyện Chợ Lách cũng như cấp cao hơn nhưng phải hơn 10 năm sau, ngày 8-4-2004 nguyên chủ tịch huyện Chợ Lách Nguyễn Ngọc Phong (hiện là bí thư huyện ủy) mới trả lời. Theo Quyết định 524/QĐ-UB thì nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng đất của gia đình ông Hành chẳng khác gì thông báo của Chánh thanh tra huyện đã nêu ở trên. Tuy nhiên trong phần “nhận xét và kết luận” Chủ tịch huyện Chợ Lách lại khẳng định ngược rằng: “Phần đất được ông Chỏi hiến để xây trường vào năm 1958, sau giải phóng nhà nước tiếp tục sử dụng trường học cho tới nay. Riêng phần đất gia đình ông Hành đã cho các hộ mướn vào năm 1996, trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”. Trao đổi với PV tại tòa soạn, chị Chi không giấu được bức xúc: “Ông chánh thanh tra và chủ tịch bảo phần đất còn lại gia đình chúng tôi cho các hộ mướn thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nhưng thực ra sau giải phóng đến nay chẳng có hộ nào sinh sống trên mảnh đất này, mà người quản lý vẫn chính là UBND huyện Chợ Lách. Họ cho xây lồng chợ, nhà phố bán đấu giá lấy tiền xài, trong đó có ngôi nhà đồ sộ của ông chủ tịch huyện”.

Không đồng ý với quyết định trên, chị Chi tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn. Ngày 5-9-2006, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định 1920/QĐ-UB, cho rằng đất của ông Hành được thừa hưởng từ cha mình, trong diện tích 10.004m2 thì gia đình đã hiến xây trường 4.036m2. Tuy nhiên đáng lẽ phải hủy các quyết định sai sự thật của cấp dưới, tuyên trả phần diện tích còn lại cho gia đình chị Chi thì đồng chí phó chủ tịch tỉnh lại “lấp lửng” rằng: “Riêng phần đất còn lại trước năm 1975 có một số hộ cất nhà... nhưng chị Chi không có giấy tờ gì chứng minh nên không có cơ sở xem xét” và đơn khiếu nại của chị Chi một lần nữa bị bác.

Chúng tôi đã trực tiếp gặp Chánh văn phòng UBND huyện Chợ Lách - Phạm Văn Nơ. Do mới về nên ông Nơ chỉ trả lời những câu hỏi trong phạm vi mình nắm được. Theo ông, phần đất gia đình chị Chi hiến làm trường cách khu đất trống 5.968m2 bằng một con lộ rải nhựa. Từ sau giải phóng đến đầu năm 2011 khu này vẫn để trống, mỗi năm huyện có tổ chức chợ dưa, bến bãi cho ghe thuyền cặp kênh Chợ Lách. Giữa năm 2011, UBND huyện cho xây dựng thành chợ Chợ Lách (khu A) và phân lô bán nền dọc hai bên lồng chợ với hàng chục nhà phố khác nhau.

Riêng khu đất gia đình đã hiến làm trường học năm 2007 ủy ban huyện tổ chức di dời về khu phố 1 của thị trấn và cũng biến nơi đây thành lồng chợ Chợ Lách (khu B), bên phải là căn nhà một trệt hai lầu đồ sộ của Chủ tịch huyện Lê Huy Cường, xây dựng trái phép, lấn lộ giới cả mét nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý. Liên hệ xin làm việc với ông Dẩu thì chúng tôi được cấp dưới cho biết “sếp” đi họp, liên lạc qua điện thoại thì ông này hứa sẽ làm việc với phóng viên đầu tuần sau, nhưng đã ba tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được diện kiến ông.

Triều Dương (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.