Cuối năm 2012, bà Lan cùng bà Dứt làm thủ tục tách thửa mảnh đất bà Lan đã mua thì bất ngờ phát hiện phần này đã được UBND huyện Hóc Môn cấp tiếp sổ đỏ CH00676 ký ngày 1-6-2012 cho bà Chấu. Lúc đầu bà Lan tưởng do nhầm lẫn nhưng bà càng bất ngờ hơn khi đây là sự thật và nguồn gốc đất được bà Chấu khai do thừa kế từ chồng là ông Phạm Văn Đâu(!).

Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1942, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết, năm 1994 bà mua 587,9m2 đất (thửa 148 tờ bản đồ số 4 tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) của bốn anh chị em ông Nguyễn Văn Chạt (SN 1933), bà Nguyễn Thị Chấu (SN 1934), ông Nguyễn Văn Xu (SN 1948), bà Nguyễn Thị Út (SN 1952, cùng ngụ huyện Hóc Môn) bằng hợp đồng (HĐ) giấy tay với tổng giá trị 10 cây vàng. Nguồn gốc đất do những người này được thừa kế trong khu đất 1.447m2 của cha mẹ để lại.

Căn nhà tạm được bà Chấu dựng trái phép

Do mảnh đất trên chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) nên em ruột của những người này là Nguyễn Thị Dứt (SN 1953) đứng ra làm thủ tục kê khai để được cấp sổ đỏ cho cả khu rồi tách thửa cho các hộ mua lại. Ngày 31-7-1998, UBND huyện Hóc Môn cấp sổ đỏ cho bà Dứt đứng tên toàn bộ diện tích khu đất này.

Cuối năm 2012, bà Lan cùng bà Dứt làm thủ tục tách thửa mảnh đất bà Lan đã mua thì bất ngờ phát hiện phần này đã được UBND huyện Hóc Môn cấp tiếp sổ đỏ CH00676 ký ngày 1-6-2012 cho bà Chấu. Lúc đầu bà Lan tưởng do nhầm lẫn nhưng bà càng bất ngờ hơn khi đây là sự thật và nguồn gốc đất được bà Chấu khai do thừa kế từ chồng là ông Phạm Văn Đâu(!).

Bà Lan làm đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng. Ngày 5-8-2013, UBND huyện Hóc Môn ban hành Quyết định (QĐ) 4374-QĐ-UBND thu hồi sổ đỏ đã cấp sai cho bà Chấu. Ngày 25-6-2014, UBND huyện tiếp tục ra QĐ thu hồi sổ đỏ đã cấp cho bà Dứt để cấp lại cho các hộ đủ điều kiện. Trước đó, ngày 11-3-2014 bà Dứt tự nguyện giao lại sổ đỏ cho Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện và yêu cầu sau khi thu hồi sổ này phải cấp mới cho bà Lan và những người mua đất khác.

Sau đó bà Chấu lại làm đơn ngăn chăn việc cấp sổ đỏ cho bà Lan với lý do bà này cùng anh chị em của mình không bán phần đất trên cho bất kỳ ai. Dù bà Lan trưng ra bốn HĐ giấy tay thể hiện rõ những người này đã bán các phần đất được thừa kế lại từ cha mẹ với giá 25 chỉ vàng mỗi lô, bà Dứt cũng thừa nhận có biết việc này và biên bản lấy lời khai của bà Chấu, ông Xu, bà Võ Bảo Mộng Hoàng Oanh (đại diện cho bà Út đã chết) do Tòa án nhân dân TPHCM lập ngày 4-5-2005 cũng cho thấy những người này thừa nhận đã bán hết phần đất được thừa hưởng từ cha mẹ với giá 25 chỉ vàng, nhưng chính quyền địa phương vẫn cho rằng chưa đủ cơ sở làm thủ tục cấp sổ đỏ cho bà Lan khiến gia đình rất bức xúc.

Trong khi tranh chấp trên chưa được giải quyết thì đầu năm 2015 bà Chấu cố tình dựng lên căn nhà tạm trái phép trên đất tranh chấp. Phát hiện sự việc, bà Lan đã gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Chiều 12-1-2015, UBND xã Xuân Thới Thượng đến kiểm tra, phát hiện bà Chấu thi công công trình không có giấy phép xây dựng đúng quy định, căn nhà có diện tích 4 x 4m, nền đất, cột cây, mái và vách tôn, nên đình chỉ thi công đồng thời yêu cầu bà Chấu phải tự tháo dỡ trong thời hạn 24 tiếng kể từ khi lập biên bản, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Mặc dù vậy, bà Chấu vẫn phớt lờ. Ngày 17-1-2015, ông Phan Hiếu Sơn - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng - ký QĐ 46/QĐ-UBND cưỡng chế phá dỡ công trình này, trong đó nêu rõ đối tượng “cố tình vi phạm, không tự giác chấp hành các quy định”. Vậy nhưng đến nay công trình trên vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt mà không thấy cơ quan chức năng nào xử lý?

Đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các sai phạm đồng thời xem xét thấu đáo vấn đề để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.

Thiên Long (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.