Thừa nhận có hiện tượng lấn vào đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, song nhiều chuyên gia cho rằng cần có cái nhìn khách quan vì "không phải tất cả sân golf đều là tội đồ".

Tại cuộc tọa đàm quy hoạch và các vấn đề kinh tế sân golf tổ chức ngày 11/5, ông Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho hay, so với các nước, số lượng sân golf ở Việt Nam chưa nhiều. Cụ thể, Thái Lan có 350 sân, số lượng ở Malaysia, Trung Quốc lần lượt là 230 và 250. "Với số lượng 90, Việt Nam chưa đến mức hội chứng hay có quá nhiều sân golf", ông Phong nói.

Hiện cả nước có 29 sân đi vào hoạt động và giải ngân 224,1 triệu USD, thu hút gần 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân là 2,5-3 triệu đồng mỗi người. Một số sân lớn như Hòa Bình, Chí Linh, Đồng Mô nộp ngân sách hơn 500 tỷ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận, điểm bất cập là một số sân dù có trong quy hoạch nhưng chiếm quá nhiều đất.

Tổng thư ký Hiệp hội Golf Nguyễn Văn Hào chia sẻ, bản thân ông cảm thấy chạnh lòng khi sân golf bị lên án về chuyện lấn chiếm đất nông nghiệp, phân biệt giàu nghèo... Nhiều người coi sân golf như một tội đồ và ít ai ghi nhận đóng góp của nó. Đơn cử, riêng xã Hòa Hải (Đà Nẵng), nhờ golf, khách sạn mà thu nhập bình quân đầu người tăng từ 400 USD lên 1.200 USD mỗi năm. Ông Hào nhấn mạnh, cần coi golf như một môn thể thao hữu ích. "Một số lãnh đạo từng tâm sự với tôi, nhờ chơi golf mà khỏi hẳn bệnh khớp. Tôi chơi môn thể thao này 20 năm nay cũng không mắc bệnh gì", ông Hào chia sẻ.

Cả nước hiện có 90 sân golf nằm trong quy hoạch. Ảnh: Hoàng Lan

Lãnh đạo Hiệp hội Golf cho hay, hiện nay, các sân golf bị lỗ nên phải kinh doanh cả bất động sản. Ngoài ra, dù đóng góp lớn nhưng golf đang phải chịu nhiều khoản thuế vô lý như 20% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng và 6% thuế môi trường. Trích lại lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Hào nói: "Sân golf không có tội". "Với cá nhân tôi, sân golf còn như một cô gái đẹp", Tổng thư ký Hiệp hội Golf nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Khuê, Phó trưởng ban kinh tế Lăng Cô cho rằng, sân golf bấy lâu nay chịu nhiều tiếng oan. Chỉ cần gõ từ khóa "sân golf" trên công cụ tìm kiếm, trong 6 giây sẽ thấy 30.000 kết quả nhưng có tới hai phần ba là thông tin tiêu cực. Hiện Huế có một sân golf đã đi vào hoạt động, 2 sân còn lại đang trình xin phép đầu tư. Ông Khuê nhìn nhận, sân golf cần có một đánh giá khách quan hơn bởi đó chính là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. "Có nhiều người hỏi tôi, Huế nhỏ thế liệu có sân golf không? Khi nghe câu trả lời là có, họ mới yên tâm sang công tác", ông Khuê nói.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần nghiêm cấm lấy đất lúa làm sân golf nhưng không có nghĩa "đây là môn thể thao có tội". Trước kia, một sân ở Thủ Đức được cấp phép nhưng từ đây cũng dấy lên cuộc phản đối "ảnh hưởng đến môi trường khi chặt cây để xây sân golf". "Quốc hội cử đoàn gồm 7 người vào khảo sát, tôi đã phải giải thích, những cây bị chặt không có giá trị sử dụng nữa, lúc đó dư luận mới bớt đi", ông Mại nhớ lại.

"Nếu đặt ra tiêu chí, quy hoạch tuyệt đối sẽ làm mất đi tính thị trường. Làm thế nào để người dân thay đổi được quan điểm về sân golf thì lúc đó đất nước mới phát triển được", ông Mại thẳng thắn.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hoàng Lan.

Vĩnh Phúc, một tỉnh có 3 sân golf thuộc quy hoạch, mỗi năm đóng góp vào ngân sách 30 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 10.000 người lao động với thu nhập 2,5 triệu đồng mỗi tháng. "Tuy nhiên hiệu quả mới chỉ ở bước đầu", Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Lương Quốc Thái thừa nhận.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, ông không quá khắt khe với chuyện xây sân golf nhưng thực tế phải thừa nhận dịch vụ này đang có nhiều điều bất cập. Trong đó, điển hình là chuyện ô nhiễm môi trường. Ông Liêm phân tích, để sân đẹp, cỏ mọc tốt tươi thì phải bón phân hóa học đặc trưng, thuốc trừ sâu diệt cỏ. "Khi mưa, các chất này sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm và đe dọa mạch nước ngầm", ông Liêm cho hay.

Lãnh đạo Tổng hội cho rằng, Nhật Bản xây sân golf ở sườn núi, Australia, Trung Quốc cũng xây ở ven bờ biển, còn Việt Nam thì không ít sân golf có vướng cả đất nông nghiệp. "Không phải đồng loạt sân golf nào cũng xấu nhưng rõ ràng việc xây loại hình sân chơi dịch vụ này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai", ông Liêm nói.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cả nước hiện có 90 sân golf nằm trên địa bàn 34/63 tỉnh, thành phố. Trước đó, cả nước dự kiến tới 166 sân. Quy hoạch đã loại ra 76 sân golf, thu hồi lại trên 15.600 ha đất các loại.

Các sân golf được quy hoạch đều gắn với vùng, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 29 dự án sân golf; Vùng Đông Nam bộ có 21 dự án; Đồng bằng sông Hồng có 17 dự án; Trung du Miền núi phía Bắc có 11 dự án; Tây Nguyên có 8 dự án; ĐBSCL có 4 dự án sân golf.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.