Hiện vẫn chưa có một thống kê chính thức nào từ cơ quan chức năng về thực trạng đời sống của người dân tái định cư (TĐC). Nhưng sau nhiều cuộc khảo sát và giám sát cho thấy, khá nhiều người dân TĐC dường như rơi vào một điểm chung là điều kiện nơi ở mới có nhiều khó khăn!
  • Ở một nơi, làm một xứ

Gần như việc bồi thường tập trung vào giá trị nhà, đất và những thiệt hại cũng chủ yếu là vật chất, còn vấn đề khác của người dân cũng cực kỳ quan trọng lại chưa được tính đến một cách đầy đủ. Đó là chỗ ở mới xa nơi làm việc, xa trường học, là nguyên nhân người dân bán suất TĐC rất lớn sau khi được bố trí nhà.

Hiện nay, hơn 70% các hộ dân sống tại chung cư TĐC An Phúc, An Lộc tại quận 2 không phải là người dân TĐC; chỉ có khoảng 50% - 60% người dân tại chung cư TĐC Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 là người dân TĐC; trên 50% người dân chung cư Cây Mai, quận 11 đã bán suất TĐC ngay sau khi được bố trí; chung cư Phạm Viết Chánh, Ngô Tất Tố ở quận Bình Thạnh có hơn 60% hộ dân không thuộc diện TĐC…

Ngay cả một dự án được xem là điểm sáng của chương trình TĐC là dự án rạch Ụ Cây ở quận 8, mặc dù được bố trí tại chung cư Tân Mỹ, sát Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhưng đến nay không ít hộ dân bỏ nơi này về lại chốn cũ.

Tháng 2-2010, UBND quận 8 đưa 349 hộ dân bị giải tỏa trong dự án chỉnh trang đô thị ở rạch Ụ Cây TĐC tại chung cư Tân Mỹ, quận 7. Theo thông tin của quận 8, đến nay, có 34 hộ dân đã bán căn hộ TĐC và 94 hộ dân cho thuê lại, chiếm hơn 1/3 số hộ dân được TĐC tại chung cư này.

Một giáo viên đang dạy tại quận 8, vì bố trí TĐC tại Tân Mỹ, không phù hợp với việc làm nên đã về lại rạch Ụ Cây thuê nhà ở để giảng dạy tại trường cũ. Ông Trần Nguyễn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Tân Phú, quận 7 (chung cư Tân Mỹ thuộc phường Tân Phú) cho biết, mặc dù phường có giới thiệu việc làm mới nhưng vì quen với công việc cũ nên người TĐC rất muốn về lại quận 8!

Chung cư 481 Bến Ba Đình quận 8 đã bỏ trống 3 năm qua.

Tại căn đầu hồi chung cư B4, Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 có một tiệm sửa xe nhỏ bé nhưng đó là nồi cơm của một gia đình tạm cư, gia đình ông Nguyễn Văn Thành. Trước đây gia đình ông có 120m² đất tại phường An Khánh, quận 2, nay đã giao mặt bằng và đang ở tại khu tạm cư An Lợi Đông để chờ mua nhà ở xã hội.

Khi còn ở nơi cũ, hàng ngày ông đến nhà mẹ vợ tại đường Lương Định Của để làm nghề sửa xe, vợ làm thợ may. Khi đến sống tại khu tạm cư An Lợi Đông thì công việc sửa xe tại khu tạm cư không đủ sống, khu tạm cư cũng xa khu dân cư nên vợ ông Thành không may vá gì được nữa, ở nhà đưa con đi học. Mỗi ngày ông Thành phải đi 9 km đến đây để tiếp tục sửa xe. “Bà chị thuê ở đầu hồi mở quán, cho tôi một rẻo đất để sửa xe. Mỗi tháng tôi chỉ góp tiền điện 500.000 đồng thôi” - ông Thành cho hay.

Mỗi ngày đều đặn, ông Thành đi làm từ 6 giờ sáng đến tối mịt mới về. Thu nhập từ hai người trước đây bây giờ chỉ còn mình ông đảm đương nên cuộc sống khó khăn hơn. Vừa nói chuyện ông Thành vừa mở các ngăn tủ ra khoe nào máy hàn, máy tiện, máy chùi đồ đồng… rồi ngậm ngùi nói: “Thấy không, ngày xưa tôi đủ đồ nghề, ai cần gì cũng làm được. Còn bây giờ chật quá, đành xếp vào tủ cất. Lâu lâu nhớ nghề cũ lại mở ra coi”…

Cho dù là một chức sắc ở chung cư, nhưng gia đình ông Lê Hữu Tùng, Trưởng ban Quản trị chung cư TĐC Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi còn định cư tại phường Thủ Thiêm trước đây, mỗi buổi sáng vợ ông đi làm từ 4 giờ để qua bên kia phà Thủ Thiêm bán đồ ăn sáng.

“Khi chuyển lên chung cư này, 3 giờ sáng bà xã đã phải ra khỏi nhà để đi cho kịp giờ bán, vì đến nơi bán gần 20km, xa gấp đôi so với nhà cũ. Hơn nữa, do đi làm từ lúc trời còn chưa sáng hẳn nên con tôi phải đi theo mẹ ra nơi bán cho khỏi nguy hiểm, coi như nhà mất thêm một lao động cho cùng một công việc” - anh Tùng cho biết.

Điều này lý giải thích tại sao khảo sát của Sở Xây dựng tại các khu TĐC cho thấy, khi bố trí nhà, đất TĐC gần nơi ở cũ, tỷ lệ sang nhượng rất thấp. Trong khi đó, nếu bố trí nơi TĐC quá xa thì số lượng người dân bán suất TĐC rất cao.

  • Oằn nợ trên lưng

Nhiều người dân cả đời sống tại khu nhà lụp xụp nên khi được bố trí căn hộ khang trang đều rất vui. Tuy nhiên niềm vui chưa thể trọn vẹn bởi chỗ ở có tốt hơn nhưng họ mất đi môi trường mưu sinh. Không ít hộ dân sau khi TĐC rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi trước đó họ là trụ cột của gia đình.

Đầu tiên, từ nơi ở cũ họ không phải chi phí bất cứ thứ gì, còn giờ đây phải trả đủ thứ. Chẳng hạn, tại chung cư Tân Mỹ, chi phí cho chung cư như tiền thang máy, lầu 1 là 25.000 đồng, mỗi lầu lên cao cộng thêm 5.000 đồng, cao nhất là lầu 11 phải trả 80.000 đồng; tiền giữ một xe gắn máy 50.000 đồng/tháng; nếu sau này chung cư hình thành ban quản trị, chắc chắn cư dân phải đóng một khoản tiền để vận hành chung cư. Nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện, bởi gánh nặng nợ nần khi TĐC mới là chuyện lớn. Hầu hết những người TĐC khẳng định, khi bố trí TĐC “bỗng dưng” phải mất một khoản tiền chênh lệch nhưng không biết lấy ở đâu mà trả.

Bà Nguyễn Thị Hoa đang tạm cư thuộc dự án Trung tâm Thương mại Bình Điền giai đoạn 2, quận 8 cho biết, 400m² đất tại nơi ở cũ, gia đình bà được ký hợp đồng đổi ngang 300m² đất tại khu TĐC, 100m² còn lại và cả nhà trên đất được đền bù thêm 85 triệu đồng. Nhưng hiện nay, sau nhiều cuộc họp, gia đình bà lại nhận được bản chiết tính phải đóng thêm 280 triệu đồng tiền chênh lệch.

“Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, trong đó có một mẹ già 91 tuổi, 3 đứa con đi học mà chỉ lãnh tiền tạm cư 1,8 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền thuê nhà và điện nước mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Vợ chồng tôi làm nghề tự do, phải nuôi con ăn học thì lấy tiền đâu ra mà đóng. Trước đây nói đổi ngang gia đình tôi mới đồng ý giao đất, có chữ ký hẳn hoi nhưng nay bắt đóng tiền thêm là tiền hậu bất nhất, bất hợp lý. Gánh nợ này làm sao tôi trả nổi?” - bà Hoa bức xúc.

Gia đình chị Bùi Thị Tuyết Nhung, ngụ tại căn 5.1 chung cư TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, khó khăn càng chất chồng khi về TĐC. Trước đây, một người anh và một người em đi làm sơn nước, làm mộc ở Nhà Bè, Hóc Môn nay chuyển về đây đi làm quá xa, tiền công không đủ tiền xăng, ăn uống, nên… thất nghiệp.

Trước đây chị Nhung may gia công thêm ban đêm để kiếm sống. Về chỗ ở mới phải đi lấy hàng xa, rồi vác bao hàng hơn 20kg từ dưới đất lên tận lầu 5 muốn thở không nổi. Lo hơn, may ban đêm tiếng máy ồn ào, hàng xóm phàn nàn nên chỉ may đến 20 giờ phải nghỉ. Thế là hai người thất nghiệp, cộng với thu nhập từ may vá giảm hẳn nên cuộc sống khó khăn gấp bội. Bên cạnh đó, căn nhà 34m² của gia đình trước đây tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân mặc dù không rộng rãi gì nhưng lại có lầu nên đủ cho một đại gia đình tá túc, còn căn hộ hiện tại dù rộng với 55m² nhưng lại khá chật chội.

“Cuộc sống mới rất khó khăn, làm sao trả nổi 278 triệu đồng tiền chênh lệch cho căn nhà TĐC mà chủ nợ đòi phải trả góp hàng tháng?” - chị Nhung buồn bã nói.

Cùng với quá trình phát triển của TPHCM, nhu cầu đầu tư, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội càng lớn nên việc phải di dời một bộ phận lớn người dân là điều khó tránh khỏi. Theo thống kê ban đầu của đoàn công tác liên ngành, đến năm 2015, TP phải thực hiện gần 500 dự án với khoảng 120.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Giai đoạn 2006 - 2010 TP đã thực hiện 521 dự án với 67.543 hộ dân bị ảnh hưởng toàn bộ. Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến có hơn 83.000 hộ có nhu cầu tái định cư.

  • Chuyện dài tái định cư - Bài 2: Bỏ hoang

    Chuyện dài tái định cư - Bài 2: Bỏ hoang

    Thật là nghịch lý, trong khi người tái định cư (TĐC) phải ở tạm thì vẫn còn rất nhiều nhà TĐC lại bỏ hoang. Con số nhà TĐC bị bỏ hoang tại TPHCM có thể lên đến vài ngàn căn.

  • Chuyện dài tái định cư - Bài 1: Đằng đẵng đời tạm cư

    Chuyện dài tái định cư - Bài 1: Đằng đẵng đời tạm cư

    Những năm qua, TPHCM đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng nhà tái định cư (TĐC), đảm bảo cuộc sống của người dân tại nơi ở mới “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế, kết quả thực hiện TĐC chưa được tốt, người dân chê nhà TĐC, nhà TĐC bỏ hoang trong khi nhiều khu tạm cư, tạm bợ tồn tại hàng chục năm… Phải chăng chúng ta chưa có quy hoạch bài bản, thiếu nhạc trưởng đã dẫn đến kết quả chệch choạc, trở thành “điểm nóng” TĐC?

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.