Đô thị Hà Nội đang đối mặt với thách thức mới: hạ tầng giao thông ngay tại các khu chung cư dân sinh. Điều này thể hiện ở một số dự án đang rầm rộ bung hàng.

Việt Nam đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ với hệ thống 800 thành phố, thị xã, thị trấn trải đều khắp các vùng miền. Hệ quả đi kèm: sức ép của gia tăng dân số đối với hạ tầng đô thị. Theo dự báo, tới năm 2020, Hà Nội vượt ngưỡng 8-8,5 triệu người (dân di cư chiếm 1/10).

Điểm "nóng" Trung Hòa – Nhân Chính

Nhiều năm qua, cư dân Thủ đô đã mặc nhiên coi Trung Hòa – Nhân Chính là một trong những quần thể đô thị "đáng sống" nhất, nhờ cung cách tổ chức khoa học (giao thông nội bộ giữa các khu), hạ tầng xã hội cơ bản, dân trí văn minh, ít xảy ra xung đột liên quan tới phí dịch vụ, quản lý chung riêng… Khoảng 1,5 vạn người sinh sống ở khu đô thị do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Thời kỳ trước 2013, việc tắc đường nội bộ (từ các tòa nhà đi ra đường Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Hoàng Ngân) gần như không xảy ra. Tuy nhiên, năm 2013, tổ hợp thương mại – dịch vụ – chung cư cao cấp Hapulico Complex chính thức hoạt động hết công suất, gián tiếp tạo nên sức ép giao thông nội bộ của khu này. Với khoảng 800 căn hộ (khoảng 2.400 cư dân), chưa tính diện tích sàn thương mại cho thuê, tắc đường giờ đi làm buổi sáng và tan tầm là điều dễ hiểu.

Đô thị Hà Nội đang đối mặt với thách thức mới: hạ tầng giao thông ngay tại các khu chung cư

Đấu nối vào Trung Hòa – Nhân Chính còn có một tuyến "huyết mạch" khác là Vũ Trọng Phụng – Nguyễn Huy Tưởng. Mỗi buổi chiều, lượng xe cơ giới và xe bus ùn ùn kéo vào từ đường Nguyễn Trãi, cộng thêm học sinh, sinh viên từ trường Đại học Đại Nam, ĐH Bắc Hà, THPT Nhân Chính đổ ra, rồi người xe từ hai chung cư 47 Vũ Trọng Phụng, 57 Vũ Trọng Phụng, tạo nên cảnh "chật như nêm" diễn ra mỗi ngày. Chưa hết, dự báo sức ép lên hạ tầng giao thông trong tiểu khu còn tiếp tục gấp bội, vì dự án chung cư Mỹ Sơn Tower (62 Nguyễn Huy Tưởng) đang được chủ đầu tư cấp tốc bán hàng. Nhìn tổng quan, nếu có hệ thống phân làn giao thông cứng, kèm theo lực lượng CSGT trực chiến, mới mong hết lo khi… ra cửa tòa nhà.

Khu Khương Trung, không kém

Mới nổi lên như "điểm sáng" đầu tư tạo lập nhà ở của nhiều doanh nghiệp chuyên chung cư mini, tam giác trọng điểm này thuộc quận Thanh Xuân, với mật độ dân số ngày càng tăng. Hai năm trước, khu vực này chưa được giới tạo lập địa ốc quan tâm vì hạ tầng kỹ thuật hạn chế (đường giao thông, nạo vét đoạn sông Tô Lịch…).

Tuy vậy, địa bàn này vốn đã rất đông đúc bởi sinh viên thuê trọ nhờ vị trí đắc địa (giao điểm của các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai). Đặc biệt, đoạn từ Bùi Xương Trạch kéo dài qua Khương Trung, nối ra Nguyễn Trãi, hàng ngày vẫn "gánh" lưu lượng di chuyển giao thông khổng lồ xuất phát từ các trường PTTH Lương Thế Vinh, THCS Khương Đình, Trung cấp Sư phạm mẫu giáo, chợ dân sinh, Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Xuân…

Đáng nói, từ cuối 2013 đến nay, rất nhiều dự án chung cư mini thi nhau mọc lên. Ngay tại khu vực sát chợ Khương Trung (liên tục tắc trong nhiều giờ hàng ngày), dự án 283 Khương Trung đang được thi công cấp tập, với quy mô 20 tầng nổi, 1 tầng thương mại (tổng số 347 căn hộ). Quy hoạch khuôn viên bên trong dự án rất tiện lợi và thoáng cho cư dân. Nhưng vào lúc tan tầm trở về nhà, hay buổi sáng muốn đi làm, viễn cảnh cư dân đứng chờ hàng giờ đồng hồ (vì tắc) sẽ không xa.

Hạ Đình"đi dễ khó về"

Hạ Đình (Q.Thanh Xuân) – một con phố nhỏ dẫn từ Nguyễn Trãi thông sang Khương Đình vốn là phương án hữu hiệu của dân Thủ đô muốn tránh "điểm nóng tắc đường" Khương Đình – Nguyễn Trãi từ nhiều năm trước. Tại đây, cũng là nơi đóng đô của Công ty Giày Thượng Đình, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông với đông đảo lực lượng công nhân phục vụ sản xuất hàng ngày. Có lẽ đa phần doanh nghiệp đều nhận ra nhược điểm về mật độ đi lại quá dày, nên tuyến phố nhỏ này chỉ mới xuất hiện một dự án chung cư thương mại 143 Hạ Đình (do Công ty CP Xây dựng Hạ Đình làm chủ đầu tư). 14 tầng căn hộ, 5 tầng văn phòng, dự án đã đi vào hoàn thiện để phục vụ cư dân vài tháng nay.

Tuy vậy, trước khi tính đến chuyện an cư, người dân nơi đây đang rất bức xúc về chuyện chủ đầu tư tự ý thu tiền đồng hồ điện (trong khi việc lắp đặt là theo thỏa thuận giữa chủ hộ và điện lực!). Tiếp đến, mối lo về tắc "cứng" đường Hạ Đình vào giờ cao điểm là hoàn toàn có cơ sở. Thông thường, chưa tính người dân sở tại đi làm về hoặc tới nơi công tác, 7-8h buổi sáng, 17-18h buổi chiều, phố Hạ Đình gần như chỉ đủ phục vụ công nhân, họp chợ dân sinh đã đủ "mệt".

Như vậy, để ra khỏi hay tìm về nhà của mình, người dân tại đây buộc phải chọn lựa đi đường vòng: đường Khương Đình rồi rẽ vào ngõ 342, hoặc tìm tới đường lớn Nguyễn Xiển rẽ 460 Khương Đình. Và điều tất nhiên, với mật độ dày đặc ken vào các ngõ rộng chỉ 3-4m như trên, tắc vẫn hoàn tắc.

Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.