Dùng đủ chiêu hạ uy tín người khác để tranh vào ban quản trị; giữa ban quản trị và cư dân lại “tố” nhau đủ điều.

Để cuộc sống sớm đi vào ổn định, cư dân các chung cư đều mong muốn nhanh chóng bầu ra ban quản trị (BQT) để nhận bàn giao công tác vận hành, quản lý chung cư từ chủ đầu tư. Tuy nhiên, không phải ở chung cư nào việc lập ra BQT cũng diễn ra êm thấm. Đã có không ít câu chuyện cười ra nước mắt.

Đủ chiêu trò để lọt vào BQT

Lô A chung cư Bàu Cát, quận Tân Bình khánh thành từ năm 2011 và một năm sau thì BQT được thành lập. Đến thời điểm này, nhiệm kỳ đã hết và công tác bầu BQT nhiệm kỳ mới đang được tích cực triển khai. Theo một số cư dân, gần đây họ thường nhận được các tờ rơi bêu xấu đích danh của những người ứng cử vào BQT nhiệm kỳ mới, thậm chí còn gọi những người này là “lũ sâu mọt”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên thành viên BQT cũ, hầu hết những tờ rơi này được phát cho các hộ dân tại tầng sáu và tầng bảy. “Các ứng cử viên muốn tham gia BQT nhiệm kỳ mới cũng chia thành nhiều phe. Muốn hạ uy tín của đối thủ, cách đơn giản nhất là phát tán các tờ rơi nặc danh nói xấu người này người kia đủ thứ. Điều đó càng khiến cho bầu không khí tại chung cư thêm ngột ngạt” - ông Dũng mệt mỏi.

Cũng trên địa bàn quận Tân Bình, các cư dân sống tại lô M chung cư Bàu Cát 2 không ít lần đau đầu trước những mâu thuẫn và tranh chấp trong BQT. Ông Lê Huy Long, sống ở căn hộ 1.10, cho biết cả hai nhiệm kỳ BQT chung cư này đều có vấn đề. Thậm chí để có chân trong BQT, một cư dân đã dùng đủ chiêu trò để “lật đổ” trưởng ban đương nhiệm.

Cư dân lô M chung cư Bàu Cát, quận Tân Bình cho biết sẽ kiện BQT tới cùng để đòi đảm bảo quyền lợi. Ảnh: HTD

“Khi phát hiện trưởng ban cũ có sai phạm trong công tác quản lý, người này liền ra sức vận động người dân trong chung cư gây áp lực buộc vị kia từ chức. Tuy nhiên, sau khi ngồi vào ghế trưởng ban, người này cũng tái diễn sai phạm như trưởng ban cũ khiến cho cư dân lại phải khiếu nại khắp nơi” - ông Long nói.

Chung cư Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh vừa mới bầu bổ sung bốn người vào BQT. Ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng BQT, thông tin có nghe người dân phản ánh có hai thành viên gặp cư dân để vận động bỏ phiếu ủng hộ. “Từ khi vào BQT thì hai người này đã yêu cầu BQT mua sắm các phương tiện để hoạt động nhưng sắm rồi lại không dùng. Họ còn hạch sách những người trúng thầu bãi giữ xe (trước đây hai người này cũng bỏ thầu nhưng không trúng). Nếu vào BQT để giúp cho chung cư tốt hơn thì tôi rất ủng hộ, đằng này vào để tạo lợi ích nhóm thì tôi không đồng tình” - ông Sơn bức xúc.

Cư dân tẩy chay vì BQT lộng hành

Tại lô M chung cư Bàu Cát 2, mối quan hệ giữa BQT với các cư dân căng thẳng đến mức Sở Xây dựng TP.HCM phải vào cuộc thanh tra toàn bộ hoạt động của BQT này. Theo Sở Xây dựng, chung cư này được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Hai năm đầu, chủ đầu tư đứng ra vận hành quản lý chung cư và đến năm 2009 thì bàn giao lại cho BQT.

Quá trình hoạt động, BQT các nhiệm kỳ đã có nhiều sai phạm, đặc biệt là BQT nhiệm kỳ ba. Theo kết luận thanh tra của Sở Xây dựng, BQT này có hàng loạt sai phạm như không thuê doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư mà tự kiêm nhiệm; tự thỏa thuận mức phụ cấp cho các thành viên BQT mà không thông qua hội nghị nhà chung cư. Ngoài mức chi phụ cấp theo quy định, BQT còn chi lương cho toàn bộ nhân sự trong ban với mức chi 2 triệu đồng/tháng/người; chi tiền điện thoại cho trưởng ban 500.000 đồng/tháng; chi lương cho hai nhân viên kỹ thuật 9 triệu đồng/tháng…

Đáng lưu ý, Sở Xây dựng xác định BQT này đã chi không hợp lệ tới hơn 1,7 tỉ đồng. Rất nhiều hạng mục BQT tự ý chi, không thông qua ý kiến cư dân và cũng không xuất trình được hóa đơn hợp lệ. “Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng đã có từ hai tháng nay nhưng các chỉ đạo khắc phục vẫn chưa được thực hiện. BQT có nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng hiện nay vẫn hoạt động bình thường buộc chúng tôi phải tiếp tục viết đơn kêu cứu” - ông Lê Huy Long cho biết.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại lô A chung cư Bàu Cát. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, ngay từ khi mới đi vào hoạt động, trưởng BQT đã có nhiều sai phạm. Cụ thể là tự ý chi tiêu vượt mức quy định mà không thông qua BQT; tự ý ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài; không tổ chức họp định kỳ BQT để công khai tài chính mặc dù các thành viên BQT yêu cầu nhiều lần…

Ngày 24-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều cư dân tại hai chung cư trên vẫn chưa hết bức xúc và tuyên bố sẽ kiện đến cùng để yêu cầu BQT đảm bảo các lợi ích của cộng đồng cư dân.

BQT và cư dân đều “đuối”

Trải qua một năm làm phó BQT chung cư 584 Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, bà Võ Thị Hồng Nga lắc đầu ngao ngán vì số nợ tiền điện, nước và các dịch vụ khác lên tới 600 triệu đồng. Nguyên nhân là có khoảng 50% cư dân không chịu đóng phí quản lý cho BQT. Cho đến thời điểm này, 11 thành viên BQT đã “rơi rụng” hơn một nửa. Căn hộ của bà Nga đang đêm thỉnh thoảng bị người dân đập cửa chửi bới. “Tôi tham gia vào BQT là để đòi quyền lợi cho cư dân từ chủ đầu tư và đã dốc hết tâm sức vào việc này nhưng càng ngày càng chán nản vì nhiều cư dân không hợp tác. Tôi sẽ rút khỏi BQT nhiệm kỳ tới” - bà Nga ngán ngẩm.

Về phía người dân, ông Cao Văn Mười, tổ trưởng tổ 17A, cũng “tố” BQT chung cư 584 hoạt động không hiệu quả và tự ý quyết định nhiều vấn đề mà không qua ý kiến cư dân. “BQT là do dân bầu lên và phải thực hiện theo ý chí và nguyện vọng của cư dân, không thể tự làm theo ý mình” - ông Mười nói.

Việt Hoa - Minh Qúy (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.