Sự cố hệ thống điện dự phòng trục trặc không hoạt động khi mất điện lưới, thang máy bị kẹt không tự giải phóng người trong trường hợp khẩn cấp gây hoảng sợ, đó là những chuyện chưa được giải quyết thỏa đáng ở Keangnam. Gần đây, nhiều mâu thuẫn khác giữa chủ đầu tư và cư dân tòa nhà này lại càng khiến không khí căng thẳng hơn.

Chung cư Keangnam Hà Nội Landmark.

Sổ đỏ lâu dài thành sổ đỏ 50 năm

Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, gia đình bà mua căn hộ A1609 từ tháng 10 năm 2010. “Trong hợp đồng mua nhà có ghi rõ, sau 30 ngày kể từ ngày ký chủ đầu tư sẽ cấp sổ đỏ. Nhưng vì lý do này, lý do khác đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ”, bà Lan nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở chung cư Keangnam, một số hộ dân đã có sổ đỏ nhưng chỉ là loại sổ đỏ có thời hạn 50 năm. “Trong hợp đồng ký nói rằng sổ đỏ cấp cho chúng tôi là sổ đỏ lâu dài, nhưng chủ đầu tư sau khi giao nhà chỉ hứa cấp sổ đỏ có thời hạn 50 năm. Như vậy, chủ đầu tư không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng. Chúng tôi không đồng ý nhận sổ đỏ 50 năm. Cư dân Keangnam chúng tôi rất bức xúc”, bà Lan nói thêm. Như vậy, hơn hai năm sau khi mua căn hộ, bà Lan và đa số hộ dân ở Keangnam vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Nếu ai muốn có sổ đỏ thì phải chấp nhận sổ đỏ có niên hạn 50 năm.

Rất nhiều người dân bức xúc yêu cầu chủ đầu tư là công ty Keangnam Vina phải đưa ra lộ trình cụ thể về thời gian làm sổ đỏ cho họ và phải cam kết thực hiện đúng theo lộ trình đó.

Trong một diễn biến khác, bà Nguyễn Thị Lan còn cho biết, đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư làm rõ thế nào là diện tích chung, diện tích riêng trong tòa nhà. “Diện tích chung và riêng còn mập mờ. Phía chủ đầu tư đã khai thác nhiều không gian trong tòa nhà để quảng cáo kiếm tiền. Không gian đó đáng lẽ phải thuộc quyền quản lý của người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang rất lo lắng vì số tiền quỹ bảo trì tòa nhà được trích ra 2% từ tiền mua nhà đến bây giờ không biết đang nằm ở đâu? Chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo về tài khoản quỹ bảo trì đã được mở, báo cáo việc thu chi và sớm làm thủ tục để đại diện của Ban quản trị trở thành đồng chủ tài khoản”, bà Lan nói.

Một vấn đề liên quan đến quyền lợi của cư dân Keangnam là việc Ban Quản trị (BQT) tòa nhà tuy đã được thành lập ngày 12/08/2012 nhưng vẫn chưa được UBND huyện Từ Liêm công nhận, vì vậy khi Ban quản trị tòa nhà đòi quyền lợi cho người dân, chủ đầu tư đều bác bỏ.

Ban quản trị có như không?

Được biết, ngày 12/8/2012, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, UBND Huyện Từ Liêm, Hội nghị nhà chung cư Keangnam đã được tổ chức thành công, bầu ra BQT gồm 8 cư dân, đồng thời cũng đã bầu ra Trưởng và phó BQT, cử ông Ha Jong Suk – Chủ tịch công ty TNHH Một thành viên Keangnam Vina (là người của chủ đầu tư) làm Phó trưởng ban BQT.

Vì chưa hợp pháp để hoạt động, 21/09/2012, đại diện của cư dân Keangnam đã gửi đơn lên UBND TP.Hà Nội kiến nghị về việc chưa được chính quyền địa phương công nhận BQT, trong khi theo luật định, lẽ ra phải được công nhận từ lúc Hội nghị nhà chung cư kết thúc.

Về sự chậm trễ đến khó hiểu của UBND huyện Từ Liêm, ông Bùi Thức Khiết – người đã được bầu làm Trưởng ban BQT (chưa có quyết định chính thức) cho biết: “Hội nghị nhà chung cư Keangnam đã được tổ chức đúng quy định hiện hành, bà con cư dân đã hăng hái tham gia và rất phấn khởi trước thành công của Hội nghị”.

Sau Hội nghị, cư dân đang chờ đợi sự hoạt động có hiệu quả của BQT để xây dựng khu chung cư thành khu vực có cuộc sống yên lành và có văn hóa. Nhưng đến nay, đã hơn 5 tháng trôi qua, do vẫn chưa có quyết định công nhận chính thức, BQT không thể bắt tay vào hoạt động đầy đủ, nhiều vấn đề trong cộng đồng chưa được đưa ra bàn bạc giải quyết.

Trong khi đó, theo luật pháp hiện hành, quyết định 08/2008/BXD nêu rõ: 15 ngày sau khi Hội nghị nhà chung cư (HNNCC) bầu được BQT, chính quyền địa phương sẽ ra văn bản công nhận.

Bà Nguyễn Thị Lan cho hay: Ngày 13/8/2012, Tổ dân phố số 5 có ra công văn số 01-DP5-MT báo cáo kết quả HNNCC với UBND Huyện Từ Liêm và đề nghị Huyện ra quyết định công nhận BQT nhưng hết 15 ngày, huyện Từ Liêm không có văn bản trả lời. “Họ chỉ giải thích miệng rằng có yếu tố nước ngoài nên chưa thể công nhận” – một cư dân Keangnam cho hay.

Để giải quyết vướng mắc này, Trưởng QBT đã gửi đơn hỏi Sở Xây dựng TP Hà Nội hỏi về yếu tố nước ngoài. Ngày 12/10/2012, sau khi nhận công văn của Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng đã có công văn số 74/BXD-QLN trả lời rằng: Yếu tố nước ngoài không ảnh hưởng đến việc công nhận BQT.

Đến ngày 10/11 và 02/12, Ông Bùi Thức Khiết, Trưởng ban BQT tiếp tục gửi văn bản đến UBND Huyện Từ Liêm và UBND TP.Hà Nội để đề nghị cơ quan chính quyền giải quyết dứt điểm sự việc này.

Tuy nhiên, dù đã 3 lần gửi văn bản và sau hơn 5 tháng chờ đợi, đến nay, người dân vẫn không nhận được hồi âm nào từ phía chính quyền địa phương.

Quang Thành (Gia đình và Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.