Cư dân ở hàng nghìn chung cư cũ nát được xây dựng từ 50-60 năm về trước khốn khổ vì nguy cơ nhà sập đe dọa tính mạng và tài sản. Người lắm tiền ở chung cư "xịn” khổ vì chất lượng dịch vụ quá kém, trong khi các loại phí quá cao. Vậy lời giải nào cho bất cập chung cư?
Đóng phí bảo trì vẫn thiệt mạng
Mới nghe, nhiều người sẽ chẳng hiểu "mô tê” ra sao, chúng tôi xin mạn phép lý giải ngay. Đó là việc cư dân tại các khu chung cư vẫn phải đóng một khoản phí gọi là phí bảo trì (2% hợp đồng mua bán căn hộ) các dịch vụ như thang máy, sửa chữa hỏng hóc nhẹ trong tòa nhà. Theo lẽ thường, việc đóng phí bảo trì là đương nhiên để các dịch vụ "trơn tru” hơn không có gì phải bàn. Song, điều đáng nói là phí bảo trì do người dân è cổ đóng góp đã không được sử dụng đúng mục đích đề ra ban đầu, khiến có người đã thiệt mạng. Cuối tháng 6 vừa qua, một bảo vệ tòa nhà chung cư N5A khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tử vong khi kiểm tra vì sao thang máy không hoạt động.
Từ khi tòa nhà này được đưa vào sử dụng, 2 thang máy thường xuyên hỏng hóc. Điều đáng nói là cư dân sinh sống tại tòa nhà này hàng tháng vẫn phải è cổ đóng phí bảo trì tòa nhà. Mặc dù vẫn phải đóng phí bảo trì, nhưng thang máy vẫn thường xuyên hỏng dẫn đến 1 bảo vệ thiệt mạng đã khiến cư dân tại tòa nhà này vô cùng bức xúc. "Chúng tôi nhiều lần kiến nghị đến công ty quản lý tòa nhà, họ chỉ sửa chữa qua loa, được ít ngày đâu lại vào đấy. Một thang máy hỏng hẳn, một thang máy kêu cọt kẹt lúc vận hành. Nhiều người sợ không dám đi thang máy, phải đi thang bộ” - chị Thúy, cư dân nhà NA5 bức xúc.
Tìm hiểu của PV, hiện nay phí bảo trì mà người dân chung cư đóng góp lại đang nằm yên tại Công ty TTHH Nhà nước một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội, mà không được giải ngân cho công tác duy tu bảo dưỡng dịch vụ các chung cư. Phải đến khi bảo vệ của toà nhà NA5 Trung Hòa - Nhân Chính thiệt mạng do sự bất cập này thì Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng mới yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý trách nhiệm việc sử dụng kinh phí bảo trì trong quá trình vận hành thang máy và việc không thành lập Ban Quản trị nhà chung cư...
Nói không đi đôi với làm
Đó là nỗi khổ của người dân sống tại các chung cư mới, thậm chí là chung cư "xịn” có giá vài trăm triệu đồng/m2. Còn những người dân sống tại các chung cư cũ nát thì lại có nỗi khổ riêng. Từ năm 2002, HĐND TP Hà Nội đã có nghị quyết về việc cải tạo các khu chung cư cũ. Năm 2005, TP Hà Nội ước lượng để cải tạo hơn 1 triệu m2 chung cư được liệt vào diện nguy hiểm, cũ nát thuộc diện quản lý của Nhà nước sẽ mất khoảng 10 năm. Tuy nhiên, đến nay đã 9 năm trôi qua, con số chung cư cũ nát được cải tạo mà Hà Nội thực hiện được chỉ vỏn vẹn... 1%.
Với tốc độ cải tạo chỉ 1%, có thể nói thực trạng về chung cư cũ nát của Hà Nội gần như vẫn... y nguyên 12 năm trước, thậm chí có phần tệ hơn khi các tòa nhà không ngừng "thăng hạng” trong bảng nguy hiểm, bất chấp hàng trăm cuộc họp của các cơ quan ban ngành. Trong hơn 1.000 chung cư cũ có tổng diện tích 5,5 triệu m2 với hơn 185.000 hộ dân, TP mới chỉ tập trung giải quyết được một số nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng như khu I1-I2-I3, C1 Thành Công, B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn; C7, D2, B6 Giảng Võ, N3 Nguyễn Công Trứ... và tiến hành xây mới một số tòa nhà trong số này.
Với tốc độ này, có lẽ để cải tạo hết các chung cư cũ nát, Hà Nội phải mất... 1 thế kỷ, thay vì 10 năm như dự kiến.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Trải qua gần 10 năm loay hoay, rất nhiều đối sách đã được UBND TP Hà Nội đưa ra nhằm giải quyết vấn đề bất cập chung cư. Song, theo nhiều chuyên gia những đối sách này phần lớn chỉ đang giải quyết phần ngọn trong khi phần gốc đang rối bời, hỗn độn. Nếu không có cú hích mạnh, việc cải tạo chung cư cũ sẽ vẫn là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết trong nhiều năm tới. Theo Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, do việc chạy theo thành tích, bán nhà theo Nghị định 61 quá vội vàng, thậm chí còn cố gắng đẩy nhanh tiến độ khiến các tòa nhà chung cư cũ rơi vào tình trạng đồng sở hữu, dẫn đến việc cải tạo xây mới ì ạch, bế tắc suốt 10 năm qua khi một trong các hộ không đạt được sự đồng thuận, thậm chí quyền sở hữu còn chưa rõ.
Mới đây, Hà Nội đưa việc cải tạo, xây mới chung cư cũ vào nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Cùng với đó, TP đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ những bức xúc của chủ đầu tư và cư dân, như bố trí nguồn ngân sách để thực hiện quy hoạch chi tiết; công bố công khai, cho phép người dân trong phạm vi dự án cùng tham gia đầu tư theo phương thức góp vốn; cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức BT... Tuy nhiên, những giải pháp này của TP gần như ném đá ao bèo không mấy tác dụng. Thất bại trong 10 năm thực hiện cải tạo chung cư cũ cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần thay đổi cách thức, cần sự đột phá, đặc biệt, khi tốc độ xuống cấp của các khu nhà này ngày một tăng.
Còn đối với các chung cư hiện đại, thực tế cho thấy, nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa, bảo dưỡng, trong khi theo thống kê, quỹ bảo trì lên tới 45 tỷ đồng. Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành thừa nhận trong số hơn 200 chung cư thì phí bảo trì mới được Công ty TNHH quản lý nhà trao cho khoảng 5 BQL chung cư, tức là một phần rất nhỏ trong tổng số tiền 45 tỷ đồng mà người dân các chung cư đã đóng phí bảo trì. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiền phí bảo trì không chuyển cho các khu chung cư dẫn đến việc hỏng hóc về thang máy, hệ thống cứu hỏa, thoát hiểm... không được sửa chữa, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội lý giải do các chung cư chưa thành lập BQL tòa nhà nên chưa chuyển được tiền.
Theo các chuyên gia, việc các chung cư cũ hàng 10 năm qua mà UBND TP Hà Nội mới chỉ cải tạo xây mới được... 1%, các khu chung cư mới bắt người dân đóng phí bảo trì trong khi vẫn xảy ra hỏng hóc thang máy, hỏa hoạn dẫn đến chết người là do sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng như các sở, ban, ngành của thành phố.
  • Chung cư Hà Nội: Người dân oằn mình “cõng” phí

    Chung cư Hà Nội: Người dân oằn mình “cõng” phí

    Sống tại các chung cư cao cấp có giá lên tới vài trăm triệu đồng/m2 nhưng người dân vẫn thấy khổ sở bởi nhiều nỗi lo. Nhiều người dân các khu chung cư đã thiệt mạng vì hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ là "ví dụ” hoặc không có, nhiều cuộc "biểu tình” diễn ra vì các ban quản lý tự ý nâng giá các loại phí một cách tùy tiện... Thế mới biết, có tiền đâu phải đã sướng.

Hải Phong (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.