Được hứa về khu tái định cư với điều kiện sống “tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, thế nhưng, cả chục năm qua, mấy chục hộ gia đình ở khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) lâm vào cảnh bán hàng chui nhủi để mưu sinh. Cũng chục năm qua, lời “kêu cứu” của họ như “đá ném ao bèo”.
Quán chè nhà chị Cúc thập thò dưới chân cầu thang (Ảnh chụp lúc 11h30 ngày 21/5)
11h20, giờ cao điểm đi ăn trưa của “dân văn phòng”, thay vì không khí nhộn nhịp bán mua, “chợ ăn trưa” nằm dưới chân các tòa nhà tái định cư N5A, B, C khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính vẫn vắng lặng. Vài chiếc xe dựng sát mép tường, vài người phụ nữ ngồi hững hờ dưới bóng mát nhỏ nhoi của cây cơm nguội, nhưng chỉ chờ có bóng khách, họ lập tức đứng dậy, nhanh nhảu mời chào, những người đàn ông cầm biển quán ăn vội vàng chạy ra… Cảnh tượng “phố vẫy” trở thành thường thấy, dù khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính thực hiện năm văn minh đô thị.
Bán chui bán nhủi
Chị Cúc, chủ quán chè khu N5D buồn bã nhìn những bát chè còn nguyên, phàn nàn kể từ khi “rút vào bán du kích” trong lối đi lên cầu thang thế này, hàng hóa ế ẩm. Chỉ có những khách quen một phần thông cảm với chủ quán, một phần “kết” các chị nấu ngon, mới qua lại ăn nơi đây. Khách lạ thì tưởng rằng “chợ ăn trưa” giải tỏa rồi.
“Nhà tôi giải tỏa từ khu Khuất Duy Tiến vào đây. Trước đây, ở nơi cũ, nhà tôi có 300m2 đất mặt đường, phía ngoài cửa hàng ăn, trong cùng còn có mấy phòng cho thuê, mỗi tháng thu nhập cả chục triệu, cả gia đình sống yên ổn. Giờ về đây, nguồn sống cả nhà trông chờ vào hàng chè này, mà suốt ngày phải lo đối phó với công an, trật tự” - chị Cúc cho biết.
Không chỉ chị Cúc, mà các hộ mưu sinh bằng bán quán ăn, chè chén lặt vặt quanh “chân” các khu nhà tái định cư ở đây đều trong tình trạng như vậy. Bà Nguyễn Thị Dung (nhà N5C) than thở, mỗi ngày mới nghĩ đến việc bày ghế bán vài cốc chè chén, việc quen thuộc mấy chục năm nay, bà thấy ngán ngẩm. Từ Ngã Tư Sở, gia đình bà về tái định cư ở đây ngay đợt đầu, từ tháng 10/2005. Trước đó, chồng bà làm cơ quan nhà nước, vợ bán hàng nước, hàng ăn.
“Khi giải tỏa làm dự án, Ban Quản lý dự án quận nói về đây tốt hơn chỗ cũ, tạo điều kiện cho dân có khu vực bán hàng. Tôi thì về “một cục” từ trước đó, lương hưu không có, nên ngay sau khi về nhà tái định cư một tháng, tôi đã phải bán hàng nước lặt vặt kiếm sống” – bà Dung kể - “Nhưng bán hàng nước cũng nay bị đuổi, khổ quá. Tôi già rồi, chạy mãi chẳng được nữa, ngã lên ngã xuống”.
Vạ vật ngồi chờ hoặc cầm sẵn biển hiệu để “bắt khách”, sẵn sàng trốn lực lượng chức năng. (Ảnh chụp lúc 11h30 ngày 21/5).

Bất bình vì bị bỏ rơi

Ông Nguyễn Như Kết – Tổ trưởng và ông Dương Văn Phúc – Tổ phó Tổ dân phố số 4 Khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính cho biết, có 150 hộ dân tái định cư Nhà N5 A, B, C, tái định cư từ Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Nguyễn Trãi.
“10 năm nay khu này chỉ tụt lùi. Nhà đang xuống cấp, đường trường trạm chưa có gì. Còn mỗi đoạn đường cho bà con đi lại, chỗ khác làm nơi đỗ xe, trông xe hết rồi. Khi làm dự án thì quận, phường bảo về nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, bố trí tầng 1 cho bà con làm dịch vụ. Về đây, tầng 1 đã được bố trí nhà hàng, quán bia hơi… Chỗ lẽ ra là nhà trẻ thì đã được cho thuê lại. Dân tái định cư không thuê được tí nào”, ông Phúc bức xúc.
Ban Quản lý nhà tái định cư trong Công ty kinh doanh nhà chịu trách nhiệm bảo trì nhà chung cư, nhưng cống rãnh ngập ngụa, rác bẩn ùn ứ…
Tổ dân phố số 4 Khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính có khoảng 150 hộ thì chừng 30 hộ phải mưu sinh bằng bán hàng ăn, quán nước… Bà Dung kể, các hộ bán hàng phải lựa đường nhường nhau, người bán sáng trưa thì thôi bán chiều nhường người khác, vì chỗ ngồi cũng có hạn.
“Khi công ty nhà đuổi, chúng tôi nhắc lại chuyện các anh đã hứa với chúng tôi như thế nào trước khi chúng tôi về tái định cư ở đây. Thế là người ta bảo thôi thì chúng tôi ngồi gọn lại. Sau đó họ lại đuổi, chúng tôi phải chạy vào nhà xe. Nhưng thế này cũng không ổn, bởi hàng ăn có bếp than, vào nhà xe lỡ gây ra hỏa hoạn thì sao… Cứ thế, dân cứ phải mưu sinh, quản lý nhà cứ phải lo đuổi, sinh ra đụng độ lẫn nhau. Có bận, có chị còn phải quỳ xuống xin đừng thu bếp than nhà chị ấy, vì mất cái bếp ấy, nhà chị chẳng còn tiền mua lại, không biết bán hàng nuôi con bằng cách nào, nghĩ thảm quá”, bà Dung nói.
Ông Kết và ông Phúc cho biết đã nhiều lần đề xuất, đơn từ khắp nơi để bà con được bố trí chỗ bán hàng mưu sinh, nhưng không nhận được kết quả. Khoảng gần 30 hộ dân, tức là 20% số hộ trong tổ, nên bức xúc của các hộ trở thành nỗi bức xúc chung của người dân nơi đây.
“Vẫn biết thực hiện năm trật tự văn minh đô thị của Hà Nội, mỗi người dân cũng có trách nhiệm của mình. Chúng tôi ủng hộ chủ trương này của thành phố. Vì thế, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện đúng lời đã hứa với chúng tôi, sắp cho chúng tôi chỗ bán hàng hợp lý để chúng tôi có thể góp phần vào văn minh đô thị” – bà Dung bày tỏ.

Khi xây dựng Dự thảo Nghị định quy định phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng đã đưa nội dung ưu tiên cho các hộ dân tái định cư được tham gia hoạt động dịch vụ kinh doanh chính tại nơi ở mới. Nếu các tòa nhà thương mại có lẫn căn hộ tái định cư thì ưu tiên hộ gia đình được khai thác diện tích kinh doanh, dịch vụ thông qua đấu giá nếu mức giá trúng thầu ngang bằng nhau. Tại các khu nhà ở tái định cư được đầu tư xây dựng trực tiếp thì chủ đầu tư phải dành tối đa 2/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo công ăn, việc làm cho người dân, đảm bảo nguyên tắc khi phát triển loại hình nhà ở này là phải bảo đảm để các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư có điều kiện ở, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ.
H.Thủy - X.Hoa (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.