Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) chưa kiểm soát được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình, đơn vị tập thể, các doanh nghiệp làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, môi trường sinh thái suy giảm, hiệu quả sử dụng đất thấp.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 936 ngày 18/7/2012, diện tích càphê ở Tây Nguyên là 380.000ha. Thế nhưng toàn vùng Tây Nguyên hiện nay, diện tích càphê đã tăng lên trên 551.669ha.

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã tăng lên gần 202.000ha, sau đó là tỉnh Lâm Đồng cũng tăng lên 145.700ha, Đắk Nông 114.188ha...

Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển cây càphê bền vững để phấn đấu giảm diện tích xuống còn 150.000ha đến 160.000ha càphê, nhưng hiện nay diện tích trồng mới mỗi năm một tăng. Đối với cây điều, theo Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2010, Tây Nguyên chỉ có 60.000ha điều, nhưng đến nay diện tích cây điều đã tăng lên đến gần 85.000ha (có thời điểm tăng lên 102,62ha).

Cây sắn (mỳ) mặc dù không được khuyến khích phát triển, thậm chí một số địa phương còn có chủ trương hạn chế diện tích nhưng diện tích cũng tăng, năm 2001 là 37.570ha, đến nay đã tăng lên trên 150.743ha...

Điều đáng nói, phần lớn diện tích tăng thêm của các loại cây trồng nêu trên của cả vùng Tây Nguyên đều được chuyển đổi mục đích một cách tự phát. Người dân phá rừng trái phép để lấy đất (chủ yếu) hoặc tự chuyển đổi diện tích từ loại đất (theo mục đích sử dụng) khi loại cây trồng này có giá trị kinh tế cao hơn cây trồng khác. Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên năm 2011, Tây Nguyên chỉ còn 2,81 triệu ha rừng (giảm gần 210.000ha rừng so với năm 2001), độ che phủ chỉ còn 51,34%.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do các tỉnh Tây Nguyên còn yếu kém trong công tác quản lý đất đai, sự bất cập của các quy hoạch sử dụng đất khi không căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất thực tế tại địa phương và các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, do việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế-xã hội còn nặng về sử dụng biện pháp hành chính, chưa có giải pháp kinh tế phù hợp cũng như các nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện các giải pháp đó.

Để góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn quỹ đất ở Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên trong quá trình xây dựng quy hoạch sử dụng đất cần gắn liền với việc phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sử dụng đất cụ thể của từng địa phương. Quy hoạch sử dụng đất ở vùng Tây Nguyên trước hết phải đảm bảo nhu cầu đất ở, đất sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các thành phần kinh tế trong từng thời kỳ.

Quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên cần căn cứ điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội để bố trí quỹ đất cho các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, đồng thời, chú trọng bảo vệ, phát triển rừng để vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn./.

Quang Huy (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.