Để có thể nhanh chóng tái định cư cho dân tại các khu vực giải tỏa, chính quyền TPHCM đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư Vĩnh Lộc B (tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) với quy mô trên 2.000 căn hộ. Thế nhưng đến nay vẫn rất ít căn hộ có người ở.

Khu tái định cư khang trang, bề thế nhưng vắng bóng người.

Sống không có việc làm

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B nằm giữa khu đồng không mông quạnh. Để đến đây, phải theo con đường nhỏ cặp dọc con rạch. Một khu đô thị mới rộng trên 30ha, với 45 lô nhà cao tầng, khang trang bề thế, đã đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay, nhưng lại im vắng đến lạ thường. Cỏ cây mọc um tùm. Đến 5 - 6 giờ chiều mới thấy lác đác có cư dân đi làm về.

Chị Trần Thị Tuyết (ngụ tại A2-103) là một trong những cư dân đầu tiên của khu tái định cư này, cho biết: “Nhà tôi bị giải tỏa trong dự án làm bờ kè (phường 7, quận 8), được bố trí về đây tái định cư. Từ khi về chỗ ở mới, cuộc sống gia đình gặp quá nhiều khó khăn, vì khu tái định cư này ở xa khu dân cư, xa các nhà máy, xí nghiệp, nên mọi người không thể kiếm việc làm lao động giản đơn để nuôi sống gia đình. Để có thể trụ được ở đây, hàng ngày các cư dân phải đi xe buýt trở lại quận 8, quận Bình Thạnh để bán hàng rong, làm công kiếm sống. Phải đi làm xa, cơm hàng cháo chợ, nên số tiền kiếm được không còn bao nhiêu. Vợ chồng tôi vẫn mong kiếm được việc làm ở gần khu tái định cư nhưng khó quá”.

Cũng từ quận 8 chuyển về đây tái định cư, chị Nguyễn Thị Kim Vy (ngụ tại A2-104) gặp quá nhiều khó khăn vì không kiếm được việc làm. Chị than: “2 con còn nhỏ mà khu tái định cư lại không có nhà trẻ. Cả hai vợ chồng bị thất nghiệp kể từ lúc chuyển về đây. Ở nơi đây không còn cảnh ô nhiễm, ngập nước, nhưng khó có thể an cư, không biết duy trì cuộc sống được bao lâu khi không có việc làm”.

Khu tái định cư ở biệt lập, nên kiếm được việc làm là điều vô cùng khó khăn đối với cư dân. Điều kiện sinh sống, làm việc không thuận tiện đã làm cho người dân các khu giải tỏa ngán ngại, không dám chọn đến ở nơi này. Theo số liệu từ Ban Quản lý khu tái định cư Vĩnh Lộc B, đến thời điểm này có chưa đến 20% số căn hộ có người nhận. Trong số đó, nhiều trường hợp đã nhận căn hộ, nhưng không dọn đến ở mà vẫn ở nhà thuê gần nơi ở cũ để còn có thể làm ăn kiếm sống.

Ở cũng không xong

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B được khởi công xây dựng từ năm 2008. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình. Dự án có quy mô 2.000 căn hộ và 559 nền đất, với tổng kinh phí lên đến 1.062 tỷ đồng. Đây là khu tái định cư dành cho những gia đình bị giải tỏa tại các dự án Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên…

Ngoài việc xây dựng ở nơi xa xôi, biệt lập, công trình khu tái định cư này còn có một điều đáng phàn nàn nữa là chất lượng nhà cửa, cơ sở hạ tầng quá thấp, khiến người dân không mặn mà. Các cư dân cho biết nhìn bề ngoài khu tái định cư cao tầng, bề thế, nhưng còn thực tế chất lượng căn hộ, hệ thống thoát nước và đường giao thông kém. Nhiều hộ đang phải chịu phiền toái vì nhà thấm, bong tróc. Nay phần lớn các căn hộ bỏ hoang không bảo quản và hạ tầng thiếu duy tu nên đang xuống cấp nhanh.

Ông Trịnh Xuân Bồng (ngụ tại A1-01) cho biết, điều ông băn khoăn, lo lắng là chất lượng căn hộ quá thấp, mau hư hỏng. Anh Nguyễn Phú Quế (ngụ tại A2-101) cho biết hầu như hộ nào muốn chuyển đến ở cũng phải sửa chữa, cải tạo căn hộ, mới vào ở được. Người dân ở lô B1 cho biết, họ luôn sống trong lo lắng vì sợ vôi vữa, xi măng trên trần nhà rơi xuống.

Quan sát bằng mắt thường cũng thấy ngay các bức tường chằng chịt vết nứt chạy dọc theo tòa nhà, nền gạch bị bong, cửa lung lay. Nền móng nhiều khối nhà đã bị sụt lún đến mức tách hẳn với sân xung quanh. Hệ thống cống, đường sá xuống cấp nhiều. Những khối nhà chưa có người ở lại càng nhanh hư hỏng hơn, cây cối, cỏ dại mọc trùm cả lối đi.

Khu nhà ở mới xây chưa sử dụng đã hư hỏng như vậy, nên chắc chắn thời gian sử dụng căn hộ không được lâu bền. Khi chứng kiến một công trình nhà ở có quy mô lớn đang bị xuống cấp, hư hỏng, những người thuộc diện tái định cư đã nản lòng, không dám chuyển đến nơi đây sinh sống, lập nghiệp.

Trần Yên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.