Đó là khẳng định của ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận 1 kiêm người phát ngôn UBND quận 1, khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên vào sáng nay 9/12.

* Ý kiến của quận như thế nào trước thông tin khu nhà làm việc hiện hữu của UBND quận 1 sẽ bị tháo dỡ để xây dựng tòa nhà hành chính mới?

- Trong những ngày qua, có một số thông tin chưa rõ ràng về chủ trương xây dựng mới tòa nhà hành chính của quận 1. Thay mặt UBND quận 1, tôi khẳng định quận 1 chưa bao giờ tính đến chuyện phá bỏ tòa nhà cổ 47 Lê Duẩn cả.

Việc xây dựng tòa nhà hành chính cho UBND quận làm việc khi mới được đặt ra, chúng tôi đã thống nhất chỉ triển khai trên phần đất 45 Lê Duẩn (hiện đang cho Ngân hàng Phương Đông thuê làm văn phòng) và phần phía sau tòa nhà cổ 47 Lê Duẩn, bởi phần này (phần phía sau, sát đường Nguyễn Văn Bình) là phần được xây dựng mới sau này, không có giá trị bảo tồn như khối nhà phía trước.

Chúng ta cần phân định rạch ròi về vị trí xây dựng mới, về giá trị bảo tồn phần kiến trúc của từng khối nhà để đảm bảo công trình cổ sẽ không bị xâm hại.

Ngôi nhà cổ 47 Lê Duẩn - hiện là trụ sở UBND Q.1, TP.HCM - nhìn từ bên ngoài vào - Ảnh: Độc Lập

* Vậy khối nhà cổ 47 Lê Duẩn sẽ được bảo tồn như thế nào?

- Nhận thức được giá trị công trình, UBND quận 1 đã đưa tòa nhà cổ 47 Lê Duẩn (hiện là trụ sở UBND quận) vào danh mục công trình kiến trúc bảo tồn từ nhiều năm nay.

Như tôi đã nói, là quận chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phá bỏ tòa nhà cổ 47 Lê Duẩn. Do đó, trước khi tính đến chuyện xây mới tòa nhà hành chính, quận đã tính toán rất kỹ lưỡng phương án bảo tồn tòa nhà cổ 47 Lê Duẩn. Bảo tồn từ các họa tiết, hoa văn cho đến phần kết cấu, nền móng với mục tiêu là duy trì sự bền vững của tòa nhà này về lâu dài. Việc làm này, quận đã thuê một công ty thẩm định có uy tín, chuyên môn đảm trách, và họ đang tiến hành các bước đúng theo quy định.

Chúng tôi nghĩ rằng việc bảo tồn tòa nhà phải luôn gắn liền với công tác duy tu, bảo dưỡng để chống hư hỏng, xuống cấp. Hiện quận đang lên kế hoạch xin ý kiến người dân, các nhà chuyên môn để xác lập phương án gia cố tòa nhà.

Cận cảnh bên trong ngôi nhà cổ 47 Lê Duẩn - Ảnh: Độc Lập

* Khi đã bảo tồn rồi thì quận tính toán sử dụng công năng khối nhà cổ 47 Lê Duẩn như thế nào, thưa ông?

- Nếu chủ trương xây dựng mới tòa nhà hành chính của quận được thành phố thông qua, cho phép triển khai thì sau khi công trình hoàn thành, các phòng ban chuyên môn của quận sẽ chuyển vào tòa nhà mới để làm việc.

Khối nhà cổ 47 Lê Duẩn, chúng tôi dự kiến sẽ chuyển thành bảo tàng hoặc phòng trưng bày tư liệu, lịch sử về TP.HCM để phục vụ người dân, du khách tham quan.

* Tòa nhà hành chính xây dựng mới trên khu đất 45 Lê Duẩn và sẽ choàng sang phần đất phía sau 47 Lê Duẩn, vậy kiến trúc công trình mới sẽ như thế nào để đảm bảo sự hài hòa với tòa nhà cổ, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…?

- Đây là một vấn đề rất quan trọng mà chúng tôi phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. Quận đã mời kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM tham vấn về mặt chuyên môn để có thể chọn lựa được phương án kiến trúc tốt nhất, hài hòa nhất.

Phương án cụ thể thì chưa có vì việc xây dựng mới tòa nhà hành chính vẫn đang ở mức chủ trương. Tuy nhiên, quận cam kết sẽ không phá vỡ tầm nhìn từ tòa nhà cổ 47 Lê Duẩn cũng như không gian kiến trúc chung ở khu vực kế cận.

Xin cảm ơn ông!

Đình Phú (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.