Mục đích chính của việc giãn dân ra khỏi khu vực phố cổ là để giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân, trước hết là cải thiện về chỗ ở. Tuy nhiên, với điều kiện lịch sử, sẽ phải thực hiện đồng bộ, nhất quán các giải pháp thì mới nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ngày 12-6, tại thông báo kết luận về các đồ án quy hoạch liên quan đến khu vực phố cổ, Chủ tịch UBND thành phố cơ bản thống nhất với nội dung các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị: Khu phố cổ Hà Nội (H1-1A), khu vực Hồ Gươm và phụ cận (H1-1B) và phần còn lại của quận Hoàn Kiếm (H1-1C), tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, bổ sung, làm rõ quan điểm, định hướng, tư tưởng, giải pháp bảo tồn tôn tạo gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc, hình thái, cấu trúc đô thị trong việc cải tạo, cải tạo xây dựng lại; cập nhật, kế thừa, khai thác có chọn lọc các ý tưởng, phương án quy hoạch, kiến trúc đã nghiên cứu trong khu vực; thể hiện cụ thể mối kết nối với khu vực ngoài bãi đê sông Hồng; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các đồ án nêu trên theo quy định.

Phân khu đô thị H1-1 có diện tích nghiên cứu 347,45 ha, phạm vi ranh giới bao gồm phía Đông, Đông Bắc đến đường Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư; phía Tây và Tây Bắc là quận Ba Đình; phía Nam là quận Hai Bà Trưng. Với diện tích nghiên cứu lớn, thuộc khu phố cổ có giá trị lịch sử, văn hóa cần bảo tồn, nên yêu cầu được lãnh đạo thành phố đặt ra cho các nhà làm quy hoạch là phải bảo đảm phạm vi và đối tượng cần bảo tồn, phát triển hài hòa, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời lưu ý việc giãn dân và kết nối với khu vực ngoài đê.

Đến nay, những bước để thực hiện chủ trương giãn dân khu phố cổ được triển khai tương đối đúng lộ trình. Theo kế hoạch dự kiến, đến năm 2016, người dân phố cổ sẽ di dời sang Long Biên. Tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, cuối năm nay, sẽ khởi công xây dựng công trình nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên. Công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Khu vực phố cổ được coi là nơi kinh doanh thương mại sôi động nhất Hà Nội. Vì lẽ đó, rất nhiều người dân băn khoăn tới vấn đề môi sinh khi chuyển về nơi ở mới. Sẽ phải xây dựng những giải pháp đồng bộ để đáp ứng nguyện vọng của người dân, nhất là việc công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách di dời, tránh đi vào vết xe đổ của dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) trong vụ án lừa đảo mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra xét xử.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, khu nhà giãn dân gồm 16 tòa nhà cao chín tầng, một tòa nhà hỗn hợp (gồm trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng. Khu nhà ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng... Có khoảng 30% số hộ dân di dời được bố trí ki-ốt kinh doanh, bán hàng ở tầng 1 các tòa nhà. UBND quận sẽ quy hoạch các cửa hàng theo nhóm ngành hàng, có cả tuyến phố đi bộ... để người dân có điều kiện kinh doanh, kiếm sống.

Giãn dân khu phố cổ là chủ trương lớn, mang tính xã hội cao, đặc thù và lần đầu tiên thực hiện cho nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với nỗi lo kinh phí, một bộ phận người dân chưa đồng thuận, nên trong quá trình thực hiện rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý, để nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân.

Nguyên Đào (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.