Ngoài 8 bộ, ngành đã được di dời đến địa điểm mới, 11 bộ, ngành tiếp theo cũng đã được chấp thuận chủ trương di dời ra khỏi khu vực nội đô. Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn đó là, gần 20ha đất của 19 bộ, ngành nêu trên sau khi di dời có được ưu tiên để dùng cho những công trình công cộng?
Gần 20ha đất của 19 bộ, ngành sau khi di dời có được ưu tiên
để dùng cho những công trình công cộng. Ảnh: Hoàng Long
Đồng loạt rời "đất vàng”
Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, Sở đã tiến hành rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương (không tính các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội nằm trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình). Kết quả cho thấy, có 8 cơ quan đã thực hiện chủ trương di dời. Các cơ quan này đang xây dựng hoặc đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở mới nằm ngoài nội đô thành phố, gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao.
Thời gian tới, 11 cơ quan khác cũng sẽ tiếp tục di dời ra khỏi khu vực nội đô gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê. Theo tính toán của Sở QHKT, tổng quỹ đất để bố trí di dời các cơ quan bộ, ngành khoảng trên 97ha. Trong đó, TP Hà Nội đã dành hơn 20ha đất cho 8 cơ quan đã thực hiện chủ trương di dời. Quỹ đất dành cho 11 cơ quan được đề xuất di dời trên 70ha nằm tại Khu Trung tâm Tây Hồ Tây (27ha) và Khu Trung tâm Hội trợ triển lãm Quốc gia Mễ Trì, Từ Liêm (30 – 50ha).
Ngoài những bộ, ngành di dời vẫn còn 9 cơ quan nằm trong diện "xem xét chưa di dời”, là các cơ quan có chức năng đặc thù (an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia), trụ sở làm việc đã được đầu tư xây dựng cải tạo mới. Các cơ quan trên gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Văn phòng Quốc hội, Đài THVN, TTXVN, Đài TNVN, Tổng LĐLĐVN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, Sở QHKT vẫn đề xuất di dời Bộ Quốc phòng để bảo tồn Thành cổ Hà Nội và di dời Văn phòng Quốc hội (số 35 Ngô Quyền) sau khi công trình nhà làm việc Quốc hội xây dựng xong.
"Đất vàng” có ưu tiên cho công trình công cộng?
Một vấn đề người dân đặc biệt quan tâm đó là quỹ đất sau khi các bộ, ngành di dời ra khỏi nội đô sẽ dành vào việc gì? Theo Sở QHKT, sau khi các cơ quan bộ, ngành được di dời khỏi khu vực nội đô sẽ có quỹ "đất vàng” khoảng gần 60ha (50,81ha). Các khu đất sau khi di dời sẽ được sử dụng phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm Quy định quản lý), Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt. Ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị.
Trong danh mục đề xuất chức năng khu đất các cơ quan sau khi di dời theo thứ tự ưu tiên, đất trồng cây xanh và xây dựng trường học được đứng trong "Top” đầu. Tuy nhiên vẫn có có 4 đề xuất xây dựng khách sạn tại khu đất của các bộ: Khoa học - Công nghệ, GTVT, LĐ,TB&XH, Văn hóa, Thể thao-Du lịch và có tới 4 đề xuất xây trung tâm thương mại tại các khu vực di dời. Khu đất của Bộ Giáo dục & Đào tạo sau khi di dời được đề xuất xây Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tái định cư… Đáng chú ý, toàn bộ diện tích khu đất của Thanh tra Chính phủ sau khi di dời (0,48ha tại 220 Đội Cấn, Ba Đình) sẽ được dành để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Thanh tra Chính phủ…
Không đồng tình với việc quỹ đất của các bộ, ngành sau khi di dời lại biến thành trung tâm thương mại hoặc khu chung cư, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, cần hạn chế tối đa việc đất sau khi di dời lại biến thành cao ốc, bởi như vậy không những không giúp giãn dân ra khỏi khu vực nội đô mà còn gây áp lực lên hạ tầng của TP. Không để bộ, ngành tự quyết sử dụng đất tại địa điểm cũ để cân đối tài chính lo phần xây dựng trụ sở mới. Vấn đề này Hà Nội phải có nguyên tắc chỉ đạo chung, bởi Hà Nội là cơ quan cấp đất mới, chính quyền TP phải tính chuyện thu hồi, giải phóng mặt bằng địa điểm cũ để tránh tình trạng cao ốc lại mọc lên tại những địa điểm phải mất bao công sức mới di dời được.
Còn Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề nghị, để có cơ sở đề xuất các chức năng sử dụng khu đất, công trình sau khi di dời, cần xây dựng tiêu chí cụ thể làm công cụ giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện, tránh tình trạng phải xử lý những vấn đề hậu di dời.
Theo Lục Bình (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.