Những vấn đề nổi cộm trong đầu tư phát triển đô thị dẫn đến tình trạng chất lượng đô thị kém, thiếu khớp nối hạ tầng, không đảm bảo dân sinh… được kỳ vọng là sẽ được chấn chỉnh nhờ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị vừa được Chính phủ ban hành. Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Trong bối cảnh các khu đô thị mới mọc lên như nấm sau mưa và càng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, Nghị định 11 ra đời nhằm mục đích gì?

Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

* Ông ĐỖ VIẾT CHIẾN: Đây là nghị định toàn diện nhất từ trước tới nay về lĩnh vực quản lý đầu tư phát triển đô thị và sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để từng bước thiết lập lại trật tự trong đầu tư phát triển đô thị, đồng thời, đây là công cụ pháp lý để khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện nay, thông qua việc hình thành ban quản lý (BQL) khu vực phát triển đô thị. Không những thế, nghị định còn tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, làm rõ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và những trường hợp phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi địa phương phê duyệt.

* Cụ thể là người dân các khu đô thị sẽ được hưởng lợi như thế nào?

* Trước đó, Nghị định 02/2006/NĐ-CP ra đời đã ban hành những quy chế khu đô thị mới nhưng rồi thực tế là người dân cả khu đô thị mới lẫn khu đô thị cũ đều bị bỏ rơi khi mỗi khu đều tách biệt và không thể tìm cách kết nối lại được với nhau. Vì vậy Nghị định 11 không chỉ thay thế Nghị định 02/2006/NĐ-CP mà đồng thời mở rộng phạm vi quản lý, không chỉ các khu đô thị mới mà gồm cả các dự án bảo tồn tôn tạo khu đô thị, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị… Như vậy, mọi khu chức năng trong các đô thị cả cũ và mới đều được xác định để kiểm soát một cách thống nhất, đảm bảo tính khớp nối theo hướng đảm bảo đáp ứng tốt hơn cho các cư dân đô thị.

* Theo ông, việc xác định khu vực phát triển đô thị sẽ khắc phục những bất cập hiện có trong quản lý phát triển đô thị?

* Trước đây, hầu hết các địa phương căn cứ quy hoạch chung được phê duyệt để giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư theo “vết loang” của đô thị mà không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải theo phong trào, thiếu đồng bộ, không khớp nối được hạ tầng kỹ thuật chung. Còn theo nghị định mới sẽ phải làm quy hoạch phân khu trước toàn bộ khu vực phát triển đô thị, trên nền quy hoạch phân khu mới hình thành dự án làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án, như thế sẽ khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên. Hình thành các khu vực phát triển đô thị cũng là để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và kế hoạch, tránh dàn trải, theo phong trào, lãng phí nguồn lực…

Quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2 TPHCM) được công khai tại các đường chính để người dân biết thông tin. Ảnh: Đức Trí

* Theo nghị định, các khu vực phát triển đô thị sẽ phải có BQL khu vực phát triển đô thị. Vậy BQL hiện có của các địa phương sẽ hoạt động như thế nào?

* Tùy theo từng địa phương, có thể kiện toàn lại BQL hiện có để phù hợp với tính chất mới, chức năng nhiệm vụ mới, hoặc thành lập mới BQL nếu chưa có. Đơn cử, Hà Nội hiện nay có rất nhiều BQL, từ Ban Giải phóng mặt bằng, đến công trình trọng điểm, ban hạ tầng… Các ban này cần được rà soát lại chức năng và mô hình quản lý để có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng yêu cầu giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án…

* Cảm ơn ông!

Xác định rõ thẩm quyền phê duyệt dự án khu đô thị mới

Ngày 22-1, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ triển khai nhanh Nghị định 11/2013/NĐ- CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tăng cường vai trò giám sát của Bộ Xây dựng, giải quyết những bất cập trong quản lý phát triển đô thị trong thời gian qua.

Theo nghị định này, việc lựa chọn chủ đầu tư phải được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định trực tiếp theo các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật có liên quan. Đối với doanh nghiệp, điều kiện để trở thành chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đối với các dự án còn lại.

Về thẩm quyền chấp thuận đầu tư, đối với dự án mới, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên; dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án còn lại…

Bích Quyên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.