Huyện Mang Yang (Gia Lai) phê duyệt quy hoạch cấp đất cho cán bộ, công nhân viên chức công tác để xây nhà ở. Có sổ đỏ trong tay nhưng 45 cán bộ thuộc nhiều đơn vị như: Viện kiểm sát, Trung tâm y tế, Đài PT-TH huyện Mang Yang... không thể xây cất nhà vì đất thuộc quy hoạch đã có chủ. Tỉnh Gia Lai yêu cầu hoàn trả lại tiền, nhưng huyện Mang Yang vẫn... im lặng.
Ông Lê Trọng Nam (cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) dù được cấp sổ đỏ nhưng không có đất vì trên thực tế đám đất đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của hộ dân khác. Ảnh: ĐÌNH VĂN
Phân lô trên giấy
Trải qua gần 13 năm, được cấp sổ đỏ từ năm 2004 nhưng các cán bộ trên không có đất, cũng không được hoàn trả lại tiền. Họ liên tục kêu cứu, nhưng câu trả lời từ phía huyện là: “Cứ tiếp tục chờ”.
Năm 2000, huyện Mang Yang thành lập. Một năm sau (2001), tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 808/QĐ/UBND “phê duyệt 5 khu quy hoạch dân cư thuộc thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang”. Thừa lệnh, huyện tiến hành đo đạc, giải phóng mặt bằng cấp đất. Theo chủ trương, mỗi cán bộ sẽ nhận một lô đất diện tích 198m2 sau khi nộp đủ 15.840.000 đồng vào Kho bạc Nhà nước huyện, thời điểm năm 2003.
Khu vực I (tổ 6, TT Kon Dơng, Mang Yang) - một trong năm khu - được quyết định quy hoạch 45 lô. Điều lạ, thay vì khảo sát thực địa, giải phóng mặt bằng thì huyện Mang Yang cứ thế phân lô trên giấy, đồng loạt cấp hẳn sổ đỏ cho 45 cán bộ vào năm 2004. Trớ trêu, khi những cán bộ đem vật liệu đến xây nhà, thì “tá hỏa” người chủ mảnh đất cũng chìa giấy chứng nhận đất hợp pháp có triện đỏ xác nhận của xã, thôn.
Được cấp sổ đỏ số hiệu AA 231946, tờ bản đồ 25, số thửa 175 nhưng anh Mai Đình Linh - kỹ thuật viên Đài PTTH huyện Mang Yang cho biết, lô đất của anh nằm trong vườn của một hộ dân. “Trên sơ đồ mình đăng ký lô 16 thì lô đất nằm trên giấy tờ thôi. Cấp sổ đỏ cho mình nhưng người ta cũng chẳng ra bàn giao, đo cho mình”, anh Linh chua chát nói.
Tương tự, bác sỹ Huỳnh Văn Hừng (SN 1963, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) cho hay, lúc cầm sổ đỏ thì trùng với thửa đất của một hộ dân khác. “Tôi mua, nộp tiền đầy đủ, chủ tịch huyện ký cấp sổ đỏ nhưng đến làm nhà không được. Vì sao, vì ông chủ đất có giấy tờ khai hoang đất cách đây khoảng 30 năm, thế thì sao làm nhà được”, bác sĩ Hừng lắc đầu. Ngoài bác sĩ Hừng, 4 cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mang Yang là Huỳnh Văn Minh (Trưởng phòng Kế hoạch); Nguyễn Văn Thạnh (Phó ban Y tế dự phòng); Lê Trọng Nam (cán bộ lái xe) và một cán bộ điều dưỡng cũng lâm vào tình trạng “dở khóc, dở mếu”. Nhiều cán bộ viện kiểm sát, phòng GDĐT, văn phòng UBND huyện, huyện ủy... dù có sổ đỏ nhưng cũng không biết chính xác lô đất của mình nằm ở vị trí nào.
Anh Mai Đình Linh - kỹ thuật viên Đài PTTH huyện Mang Yang có sổ đỏ nhưng đất đai lại thuộc về chủ sở hữu hợp pháp khác. Ảnh: ĐÌNH VĂN
Tỉnh đã quyết... nhưng huyện phớt lờ
“Cuống quá hóa liều”, nguyên Chủ tịch huyện Mang Yang - Huỳnh Ngọc Tục (lúc bấy giờ) - điều động các ban bệ đến cưỡng chế thu hồi đất hợp pháp của một số hộ dân - nhằm giải phóng mặt bằng với lý do “đất tranh chấp”. Hộ ông Đinh Văn Cân (SN 1946, trú tổ 6, TT Kon Dơng) có 6.930m3 đất hợp pháp, huyện này quy hoạch và thu hồi luôn 5.244m2 đất. Sau 10 năm ôm đơn kiện lên UBND tỉnh Gia Lai, ra tận Thanh tra Chính phủ, năm 2013 huyện Mang Yang mới chấp nhận thua cuộc.
Nhiều vườn tược của các hộ dân khác cũng bị huyện quy hoạch “máy móc” để phân lô bán nền. Trong số 45 cán bộ, nhiều người vay nợ ngân hàng, người thân, bạn bè để mua đất. Trớ trêu, dù không có đất nhưng từ năm 2004 đến nay, các hộ trên đều phải đến Chi cục Thuế huyện nộp thuế đất. Dự án vỡ lỡ, nhiều người phải trả nợ, tiền lãi “trối chết”, đành ở khu tập thể, thuê nhà trọ sống tạm qua ngày.
“Cả huyện đứng ra để thực hiện nghị quyết này, chủ trương kia... chỉ đạo thế nào thì làm thế đấy thôi. Chứ không phải một mình ông Thu đứng ra thu hồi được đất người ta, cấp được giấy đâu”, Phó Chánh thanh tra Sở Công thương Gia Lai - Trương Minh Thu (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mang Yang) phân bua.
Vụ việc trải qua hai đời chủ tịch huyện là Huỳnh Ngọc Tục, Lương Ngọc Thiệp. Đến đời thứ ba là ông Nguyễn Như Phi cũng lúng túng trong cách giải quyết. Hai năm 2014 - 2015, huyện này liên tục fax công văn số 457 và 326/UBND-KT đề nghị tỉnh Gia Lai bố trí 33 lô đất tại khu quy hoạch 5,3ha (thuộc tổ 5, TT Kon Dơng), diện tích 5.940m3 để “đền bù”. Tỉnh Gia Lai sau đó đều có công văn số 847 và 3091/UBND-CNXD hồi đáp: “Không thống nhất chuyển mục đích sử dụng một phần trong 5,3ha... từ đất quy hoạch dự phòng và công viên cây xanh sang đất ở để bố trí 33 lô đất để hoán đổi”. Đồng thời, yêu cầu huyện phải hoàn trả lại tiền cho các hộ dân vì giải phóng mặt bằng không đúng quy định. Rõ ràng, quyết sách của tỉnh Gia Lai là hợp lý khi huyện không cấp được đất mà công khai thu tiền.
Hài hước, người bút phê ký cấp 45 sổ đỏ là nguyên Chủ tịch UBND huyện Mang Yang - Huỳnh Ngọc Tục, kinh qua các chức vụ Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, GĐ Sở Công thương Gia Lai. Năm 2014, ông Tục bị cơ quan Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai phát hiện dùng bằng cấp III giả để thăng quan tiến chức, sau đó phải làm đơn xin nghỉ hưu non.
Tỉnh không đồng ý hoán đổi, đất không có thực vậy bao giờ huyện Mang Yang mới hoàn trả tiền cho 45 cán bộ? Trả lại như thế nào? Đến đời chủ tịch thứ bao nhiêu thì vụ việc mới giải quyết dứt điểm?
Đình Văn (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.