Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có ý kiến chỉ đạo việc xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng cần công khai và tiết kiệm, tránh lãng phí.

Trước ý kiến của dư luận cho rằng đầu tư hơn 1 tỷ cho 1 nhà vệ sinh công cộng là quá lãng phí, ngày 22/11, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở ngành và quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác, sử dụng hiệu quả nhất.

Các đơn vị trên cũng phải lập kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố, nhất là tại địa bàn các quận nội đô, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt trong năm 2013.

Trên cơ sở đó từng bước đầu tư theo quy hoạch và khả năng ngân sách, ưu tiên khuyến khích xã hội hóa. Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí.

Hàng loạt nhà vệ sinh bằng thép được xây dựng tại Hà Nội

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký quyết định cho phép đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trong đó loại 2 buồng gồm 10 nhà; loại 4 buồng gồm 4 nhà với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng lấy từ ngân sách.

Theo ông Hoàng Nam Sơn – Phó giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội - đơn vị của ông được thành phố giao làm chủ đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, tuy nhiên dự án này đang trong giai đoạn xây dựng khái toán để trình lên thành phố, nhưng chưa được thành phố phê duyệt. Khi thành phố chấp thuận, 15 tỷ sẽ là mức giá chuẩn. Toàn bộ chi phí từ ngân sách nhà nước.

Chi phí cụ thể gồm:

Chi phí xây dựng 1.170.000.000đồng
Chi phí thiết bị: 11.325.000.000đồng
Chi phí quản lý dự án: 236.382.682đồng
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 485.527.000đồng
Chi phí khác: 874.174.478đồng
Chi phí dự phòng: 904.466.840đồng

Theo giải thích của ông Sơn, chi phí khác gồm: chi phí thẩm định thiết bị; chi phí cấp điện, nước cho nhà vệ sinh; chi phí kiểm toán; chi phí thẩm tra phê duyệt kiểm toán; chi phí bảo hiểm xây dựng. Toàn bộ chi phí này đều nằm trong quy định đầu tư.

Chi phí dự phòng là chi phí đề phòng phát sinh, nếu không có phát sinh số tiền này sẽ không được sử dụng. Ông Sơn khẳng định, số tiền này chỉ là ước lệ, chưa có gì định hình, cụ thể.

Cũng theo ông Sơn, mức giá này BQL xây dựng dựa vào báo giá của Công ty TNHH Hoàng Gia gửi tới. Đây là báo giá thấp nhất trong những nhà cung cấp gửi đến mà BQL lựa chọn. Đơn vị này có báo giá chi tiết từng linh kiện.

Thiết bị được trang bị trong nhà vệ sinh sẽ được sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà đầu tư. Theo đó, những nhà vệ sinh trên các tuyến chính sẽ lựa chọn thiết bị cao cấp hơn những khu vực khác.

"Từ đó, tùy thuộc vào yêu cầu và đề xuất của chủ đầu tư mà hình thành nhà vệ sinh hai buồng hay bốn buồng. Khi đó mới có thể xác định được giá cụ thể từng loại thiết bị đi kèm", ông Sơn nói.

Với những thiết bị từ 500 triệu trở lên đều phải tiến hành đấu thầu theo quy định. Việc đấu thầu này sẽ được thực hiện công khai, trên báo đài để các nhà cung cấp có điều kiện cùng tham gia.

Phương Nguyên (Báo đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.