TP HCM đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất khác (gọi tắt là GCN). Dẫu vậy, trong quá trình thực hiện, chính các cơ quan chức năng cũng mắc nhiều sai phạm gây bức xúc cho người dân

Cuối năm 2013, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đã tiến hành thanh tra công tác cấp GCN tại quận 2, 6 và huyện Nhà Bè, các địa phương còn lại do thanh tra quận - huyện tiến hành và báo cáo về thanh tra sở.

Phạt như “gãi ngứa”

TP HCM có 839 dự án nhà ở với khoảng 158.000 căn hộ đã được đưa vào sử dụng. Trong đó, rất nhiều chủ đầu tư chây ì làm thủ tục cấp GCN cho khách hàng hoặc vi phạm trong quá trình xây dựng, sử dụng đất đai... khiến tiến độ cấp GCN ảnh hưởng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ có thể đôn đốc, nhắc nhở chứ không xử phạt vì chưa có chế tài đối với trường hợp này.

Người dân tại dự án khu nhà ở thu nhập thấp và tái định cư phường 7, quận Bình Thạnh (do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư) gần 10 năm vẫn chưa được cấp GCN

Cũng có một số địa phương áp dụng mức xử phạt hành chính theo Nghị định 105/2009 đối với hành vi không kê khai đăng ký đất đai. Từ năm 2011 đến cuối tháng 9-2013, các quận - huyện đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là với các chủ đầu tư dự án nhà ở, cá nhân, tổ chức… tổng cộng 186 vụ với số tiền gần 1,1 tỉ đồng. Theo nhận định của các quận - huyện, mức phạt này chỉ “gãi ngứa” chứ chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Vừa qua, Nghị định 102/2014 có hiệu lực và thay thế Nghị định 105/2009 với khung hình phạt gia tăng, mức phạt dành cho các chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp GCN cho khách hàng có thể lên đến 1 tỉ đồng, đang được dư luận mong chờ sẽ có sức răn đe và đẩy nhanh công tác cấp GCN tại các dự án nhà ở trong thời gian tới.

Có nhũng nhiễu không?

Không chỉ các chủ đầu tư, quá trình thanh tra còn phát hiện khá nhiều cơ quan chức năng mắc sai phạm trong công tác cấp GCN. Theo thống kê sơ bộ, đã có trên 9.000 trường hợp sai phạm trong tổng số gần 170.000 GCN đã cấp cho người dân.

Hầu hết các quận - huyện đều vi phạm về thời hạn cấp GCN. Các quận 1, 2, 12, Bình Thạnh... sai phạm về thủ tục như bản vẽ bị bôi xóa, các thành phần hồ sơ không trùng khớp nhau, không cấp biên nhận cho người nộp hồ sơ... Trong khi đó, quận 11, huyện Bình Chánh, Nhà Bè mắc sai phạm về nghĩa vụ tài chính như không lập phiếu chuyển cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính, giao GCN trước khi người dân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính...

Tại quận 7 và huyện Củ Chi có tình trạng cấp GCN khi đang có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng đất. Đơn cử, UBND huyện Củ Chi biết trường hợp 2 ông Bùi Văn Bề và Lê Phong Thanh đang tranh chấp phần đất tại xã Tân An Hội nhưng vẫn cấp GCN. Sau đó, huyện phải thu hồi GCN để điều chỉnh nhưng không chính xác khiến người dân liên tục khiếu nại.

Củ Chi cũng là địa phương có nhiều trường hợp và hình thức sai phạm trong việc cấp GCN: cấp sai vị trí, diện tích, đối tượng sở hữu, mục đích sử dụng đất... Theo thống kê, Củ Chi đã cấp được 23.500 GCN, trong đó có 1.253 trường hợp sai phạm. Đáng lưu ý, dẫn đầu sai phạm là quận 12 với 6.577 trường hợp trong tổng số 46.700 GCN đã cấp được.

Theo đánh giá của Sở TN-MT TP HCM, nguyên nhân của các tồn tại này là do số lượng hồ sơ nhiều, dồn vào một thời điểm nên việc xác minh gặp khó khăn. Ngoài ra, các phòng - ban của địa phương thiếu phối hợp, cán bộ thiếu năng lực... Tuy nhiên, vẫn có phản ánh từ người dân cho biết họ bị nhũng nhiễu trong quá trình làm thủ tục xin cấp GCN. Thanh tra Sở TN-MT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận - huyện phải sớm có kế hoạch xử lý đối với các trường hợp vi phạm này.


Quận - huyện tắc trách, dân lãnh đủ

Khá nhiều trường hợp người dân bị thu hồi GCN do cơ quan nhà nước cấp sai, gây thiệt hại trong các giao dịch dân sự. Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn Tặt có thửa đất 1.452 m2 tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh nhưng GCN của ông lại ghi là xã Vĩnh Lộc B. Qua 3 lần chuyển nhượng thửa đất này, UBND huyện Bình Chánh mới phát hiện sai sót nên tiến hành thu hồi GCN của người mua sau cùng. Thế nhưng, địa chỉ thực tế thửa đất của ông Tặt tại xã Vĩnh Lộc A cũng được huyện Bình Chánh cấp chủ quyền cho một người khác với diện tích 779 m2!

Trong khi đó, hộ ông Trần Khắc Trí (ngụ thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh, nay là phường An Lạc, quận Bình Tân) sau khi cấp đổi GCN thì diện tích nhà đất bỗng dưng “nở” thêm, từ 50 m2 lên 79,9 m2. Người sử dụng đất phải đóng thêm 125 triệu đồng tiền sử dụng đất cho phần diện tích chênh lệch 29,9 m2. Sau đó, các con ông Trí chuyển nhượng đất với diện tích mới cho bà Tiên Lệ Băng. Năm 2012, quận Bình Tân ra quyết định thu hồi GCN của bà Băng vì phần đất 29,9 m2 có nguồn gốc là đất công cộng, được sử dụng làm vỉa hè lối đi vào chợ An Lạc!
Minh Khanh (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.