CafeLand – Mua đất nhưng không tìm hiểu rõ pháp lý dự án, năng lực của chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng phải ngậm “trái đắng” khi bỏ ra một số tiền lớn nhưng vẫn phải chờ mòn mỏi không biết bao giờ mới được giao đất và có sổ đỏ.

Khách hàng "tố" Công ty Địa ốc Kim Oanh nhận tiền nhưng không giao đất?.

4 năm chưa được giao đất?

Mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại và Xây Dựng Địa ốc Kim Oanh đã bị khách hàng “tố” lừa đảo khi đã thu đủ tiền của khách hàng nhưng 4 năm qua chưa giao đất. Cụ thể, theo bà Phạm Thị Thanh Nga (TP.HCM), vào năm 2011, bà có mua của Địa ốc Kim Oanh một lô đất có diện tích 300m2 (lô 5A34, đường NA2, Khu đô thị Mỹ Phước 4, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) với giá 700 triệu đồng. Địa ốc Kim Oanh cam kết hỗ trợ làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng 1 năm kể từ khi thanh toán tiền.

Trong giấy biên nhận đặt cọc giữa Địa ốc Kim Oanh và bà Nga ghi rõ nếu chủ đất không đồng ý chuyển nhượng thì Địa ốc Kim Oanh sẽ trả lại cho khách hàng số tiền cọc đã nhận và chịu bồi thường 100% số tiền đặt cọc. Thế nhưng gần 4 năm, bà Nga vẫn chưa được giao đất, trong khi đòi tiền lại cũng không được.

Về việc này, đại diện Địa ốc Kim Oanh đã có văn bản phản hồi. Theo đó, năm 2011 Công ty Kim Oanh có hợp tác với Công ty Bảo Cường thực hiện dự án Tam Phước (Đồng Nai) trên diện tích 19,16ha. Nhưng Công ty Bảo Cường chỉ mới đóng cọc 4 tỷ đồng mua 8,4 ha (nằm trong 19,16ha) của bà Trịnh Thị Hai (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) và không có khả năng thanh toán tiếp. Do đó, Công ty Kim Oanh đã đứng ra mua thửa đất trên.

Bà Hai đồng ý cho ông Trần Văn Cường (giám đốc Công ty Bảo Cường) 700 triệu đồng tiền môi giới. Số tiền này có giá trị tương đương với lô đất số 5A34 – NA2 có diện tích 300m2 trong khu đô thị Mỹ Phước 4 mà bà Hai sẽ mua của Công ty Kim Oanh. Để ông Cường nhận được số tiền môi giới, Địa ốc Kim Oanh đã lập phiếu thu 700 triệu thông qua hợp đồng mua bán lô đất này cho bà Nga (vợ ông Cường). Tuy nhiên, sau đó bà Hai đổi ý không cho ông Cường nữa và yêu cầu Công ty Kim Oanh chuyển trả tiền cho bà. Vì vậy, hiện nay nền đất trên không còn của bà Nga.

Theo Địa ốc Kim Oanh việc lập phiếu thu 700 triệu đồng với bà Nga là để giúp ông Cường (chồng bà Nga) nhận được tiền môi giới chứ thực chất công ty không nhận tiền của bà Nga.

Có đất nhưng không thể xây nhà

Theo chị Quách Yến Phương (Bến Tre), năm 2009, chị có mua của Công ty 584 một lô đất nền có diện tích 100m2 thuộc dự án 584 Tân Kiên (Bình Chánh). Chủ đầu tư cam kết sẽ ra sổ đỏ cho khách hàng sau khi mua. Tuy nhiên, hiện tại chị và nhiều khách hàng khác đang điêu đứng vì không thể xây dựng nhà trên nền đó vì chủ đầu tư đã thế chấp sổ đỏ cho phía ngân hàng để vay tiền.

Thông qua lời giới thiệu của một môi giới, Chị Hương (quận 2) đã đi tìm hiểu và dự định mua một nền đất tại quận 9. Ban đầu chị rất hài lòng với mảnh đất đã được giới thiệu và nhanh chóng đặt tiền cọc. Tuy nhiên, sau đó chị Hương té ngửa, vì khi xem lại bản vẽ dự án thì mảnh đất không đúng như thực tế. Miếng đất vuông vức mà chị thấy khi dò trên bản vẽ thì giống như hình chiếc phễu, rộng phía trước nhưng lại hẹp dần khi về phía sau. Ngay sau đó, chị Hương đã may mắn lấy lại được tiền cọc.

Có không ít khách hàng rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” khi mua đất mà không nắm rõ thông tin dự án. Hiện nay, nhiều dự án đất nền rao bán với hạ tầng hoàn thiện, có sổ hồng riêng, cư dân đông đúc nhưng thực tế tìm hiểu thì không hẳn như vậy.

Khách muốn có sổ hồng thì phải chờ đợi 3 – 6 tháng, trong khi hạ tầng một số dự án không đảm bảo, thiếu điện, nước, tiện ích chung, và không mấy người đến xây nhà để ở nền nhiều người dù có đất nhưng vẫn không thể xây nhà.

Trao đổi với CafeLand, luật sư Trần Việt Khoa, giám đốc Trung tâm tư vấn & bồi dưỡng Pháp luật thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, khách hàng khi mua đất nền nên tìm hiểu kĩ những vấn đề pháp lý của dự án như giấy phép xây dựng, dự án có nằm trong diện quy hoạch, so sánh dự án thực tế với bản vẽ thiết kế...

“Tốt nhất trước khi mua đất nền thì nên lên trực tiếp ủy ban nhân dân quận, phường nơi đó để tìm hiểu thông tin pháp lý của dự án, nên xin xem bản đồ quy hoạch, vị trí của dự án có nằm trong diện bị quy hoạch không, có đúng vị trí thực tế hoặc có vấn đề gì không rõ ràng về pháp lý hay không, để tránh những rủi ro về sau”, luật sư Khoa cho biết.

Nguyễn Hùng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.