Liên quan đến việc mở đường vào cụm 3 trường học của Dự án khu đô thị mới Hạ Đình, ông Vũ Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Lắp máy điện nước Hà Nội (Haweicco) khẳng định, doanh nghiệp không có lỗi.

UBND phường Hạ Đình giải tỏa tuyến đường cuối ngõ 214 - Nguyễn Xiển để làm đường vào cụm 3 trường học

Mở đường là “vạn bất đắc dĩ”

Qua trao đổi với phóng viên, ông Vũ Lâm cho biết, việc mở đường vào cụm 3 trường học Đặng Trần Côn B, Trường mầm non Tuổi Hoa và Trường THCS Thanh Xuân Nam qua ngõ 214 - Nguyễn Xiển là chủ trương của quận Thanh Xuân (Hà Nội) và các hộ dân trong diện giải tỏa để làm đường hoàn toàn nằm trên đất Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình.

Ông Vũ Lâm cho biết, các hộ dân (gần 100 hộ) trên đất Dự án sẽ giải tỏa vào tháng 9/2014 khi Dự án Nhà tái định cư cho Khu đô thị mới Hạ Đình được xây dựng xong. Chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện tòa nhà tái định cư trên khu đất có ký hiệu X2 nằm sát phần đất mà các hộ dân phải giải tỏa. Toàn bộ các hộ dân này đều phải di dời, đa số các hộ dân sẽ tái định cư tại tòa chung cư mới ngay cạnh Dự án khi tòa nhà được xây xong.

Tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu của UBND quận Thanh Xuân về việc hoàn thành tuyến đường trước tháng 9/2014 phục vụ học sinh năm học mới 2014 - 2015, có 12 hộ dân phải tiến hành di dời trước, trong đó có 9 hộ đủ điều kiện tái định cư. Chủ đầu tư đã xin quỹ nhà tái định cư của TP. Hà Nội tạm ứng 9 căn hộ để làm đường vào cụm trường học.

Theo ông Vũ Lâm, đối với chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình, việc mở con đường vào cụm 3 trường theo chủ trương của quận Thanh Xuân cũng là việc “vạn bất đắc dĩ”, bởi nếu thực hiện theo đúng trình tự giải phóng mặt bằng Dự án, toàn bộ các hộ dân này đều được giải tỏa sau khi Dự án Nhà tái định cư xây xong vào tháng 9/2014, không có điều gì phải bàn cãi.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư Dự án, không có chuyện chủ đầu tư lợi dụng việc mở đường vào 3 trường để vào Dự án, vì thực tế, chủ đầu tư đã có thể tiếp cận Dự án trên phần đất trống tiếp giáp ngõ 214 - Nguyễn Xiển. Mở đường vào cụm 3 trường học thực chất là để khớp nối dự án với hạ tầng đô thị khu vực xung quanh. Chủ đầu tư hoàn toàn có thể mở con đường này sau.

“Việc làm trước tuyến đường vào 3 trường gây tốn kém về tài chính và phức tạp về an ninh trật tự cho chủ đầu tư, nhưng vì chủ trương chung của quận, chúng tôi đã chấp nhận”, ông Lâm nói.

Ông Vũ Lâm cũng thừa nhận, sở dĩ Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình chưa thể triển khai do Dự án chưa có đường vào. Tuy nhiên, chủ đầu tư không lợi dụng việc mở đường để vào Dự án, bởi hiện tại, các nhà thầu đã có thể đưa phương tiện, máy móc vào Dự án để thi công qua đường khác.

Trật tự xây dựng

Theo ông Vũ Lâm, Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hạ Đình được phê duyệt tại Quyết định số 88/2004/QĐ-UB ngày 20/5/2004 của UBND TP. Hà Nội đến nay đã được 10 năm, nhưng chủ đầu tư mới bắt đầu được bàn giao mặt bằng hơn 2 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, chủ đầu tư phải tiếp tục xây dựng quỹ nhà tái định cư cho Dự án và thực hiện nhiều thủ tục khác để triển khai xây dựng. Cuộc trao đổi với ông Vũ Lâm về việc mở đường vào Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình lại làm nảy sinh một vấn đề khác về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân. Theo phản ánh, gần 100 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng trên phần đất xây dựng Khu đô thị mới Hạ Đình đa số là các hộ mua bán trái phép đất nông nghiệp để xây nhà. Nhiều hộ xây nhà kiên cố dẫn đến thiệt hại khi giải tỏa là rất lớn. Nếu theo đúng quy định, những hộ dân này thậm chí không được bố trí tái định cư.

Tình hình vi phạm trật tự xây dựng khu vực xung quanh Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình còn nghiêm trọng đến mức, UBND quận Thanh Xuân đã hoàn toàn bó tay với Dự án mở đường vào cụm 3 trường học (tuyến đường chính thức đã được phê duyệt), nên cần đến phương án “chữa cháy” là mở đường vào cụm trường học qua Khu đô thị mới Hạ Đình.

Ông Ngô Tiến Hùng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thanh Xuân cho biết: “Sở dĩ quận Thanh Xuân chưa thể thực hiện được dự án chính thức đường vào 3 trường nói trên là vì các hộ dân đã lấn chiếm đất nông nghiệp và xây dựng nhà kiên cố 4 - 5 tầng. Nếu giải phóng mặt bằng cho dự án đường vào 3 trường theo đúng quy hoạch, thì cần khoản tiền đền bù từ 400 đến 800 tỷ đồng”. Theo như ông Hùng nói, đến vào một “thời điểm thích hợp” nào đó, ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra số tiền “khủng” để giải tỏa các hộ dân lấn chiếm đất nông nghiệp, để làm tuyến đường vào cụm 3 trường học. Vậy câu hỏi đặt ra là, ai đã dung dưỡng việc lấn chiếm đất nông nghiệp và xây nhà trái phép trên địa bàn quận Thanh Xuân, tạo sức ép lớn với ngân sách nhà nước?

* Bài được thay đổi theo CafeLand.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.