Các ngân hàng ngoại than vãn việc buộc khách hàng thuộc đối tượng kiểm soát chống rửa tiền kê khai thông tin cá nhân khi giao dịch rất khó khăn và phiền hà, dù đây là biện pháp đảm bảo chống rửa tiền.

Đại diện các ngân hàng nước ngoài đã kêu phiền hà khi triển khai các quy định mới về phòng chống rửa tiền, buộc khách hàng phải kê khai chi tiết thông tin cá nhân trong quá trình giao dịch, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 vừa qua.

Cụ thể, theo quy định tại thông tư 35 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành tháng 1/2014 hướng dẫn thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền, một trong những nội dung mới là quy định về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. Nội dung, hình thức các báo cáo, gồm: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố…

Thông tư áp dụng đối với các đối tượng báo cáo là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch sinh sống hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động hoặc không hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính hay giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân…

Sợ lộ bí mật cá nhân, nhiều khách hàng giao dịch không muốn tiết lộ chi tiết thông tin bản thân

Theo ông Sumit Dutta – Trưởng nhóm công tác ngân hàng, trong hội nghị gặp gỡ giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nước ngoài gần đây, nhóm đã phản ánh vấn đề này. Tuy nhiên, câu trả lời mà các nhà băng ngoại nhận được mới chỉ là những hướng dẫn bằng "lời", thiếu căn cứ pháp lý, khiến họ "vừa làm vừa run".

Ông Sumit Dutta cho rằng, việc yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân như số/ngày cấp/nơi cấp CMTND, địa chỉ nhà riêng hay số điện thoại cá nhân để xác minh thông tin nhận dạng của chủ sở hữu hưởng lợi hiện gặp rất nhiều phản hồi không tích cực từ phía khách hàng do khách hàng từ chối cung cấp.

Trong trường hợp khách hàng chối từ cung cấp thông tin do lo sợ bị lộ bí mật cá nhân, ngân hàng lại gặp phải khó khăn khi hiện tại không có nguồn cơ sở dữ liệu công khai nào mà ngân hàng có thể tiếp cận, cũng như chưa có công ty nào có thể cung cấp dịch vụ xác minh thông tin tại Việt Nam, đồng thời các quy định về bảo mật thông tin ở các quốc gia khác chưa cho phép.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng việc rà soát đối chiếu với danh sách cấm vận hay cảnh báo chỉ áp dụng đối với những thông tin xác minh nhận dạng khách hàng và không áp dụng đối với thông tin bổ sung về khách hàng do những thông tin bổ sung này không nhằm mục đích xác minh nhận dạng khách. Tuy vậy, thủ tục này đang gây rất nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong quá trình triển khai”- ông Sumit Dutta chia sẻ.

Nhóm công tác ngân hàng đề xuất, được tự xác định các đối tượng thuộc phạm vi phải cập nhật thông tin định kỳ 6 tháng một lần. Cụ thể hơn, đại diện cho các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam, ông Sumit Dutta – Trưởng nhóm công tác đề xuất, những vướng mắc cụ thể mà nhóm công tác ngân hàng đề nghị cần được cụ thể hóa bằng một văn bản pháp luật, để tránh tình trạng “vừa làm vừa rơi vào trạng thái lo sợ rủi ro về pháp lý” như hiện nay.

Chia sẻ với những khó khăn của các ngân hàng nước ngoài khi triển khai quy định mới về phòng chống rửa tiền, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Toàn Thắng trấn an, hiện những vướng mắc mà các ngân hàng ngoại nêu đang được NHNN tập hợp và sẽ sớm được luật hóa bằng một Thông tư trong thời gian tới.

Trường Giang (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.