Tại thời điểm khởi động đề án nhà cho người thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, có lẽ những người hoạch định chính sách chưa bao giờ nghĩ đến thời điểm phải tìm cách “chống ế” cho loại hình nhà ở rất được mong đợi này. Tuy nhiên, những chính sách khơi thông của các cơ quan chủ quản cũng đang dần làm cho bức tranh nhà thu nhập thấp “tươi” hơn.

Bộ Xây dựng vừa đề xuất danh sách 12 dự án trong đó 7 dự án nhà cho người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo đó, sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ pháp lý các dự án nhà cho người thu nhập thấp và nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã lập danh sách và đề nghị BIDV thẩm định lại và triển khai rót vốn cho các dự án như: dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại lô đất N05 (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) do Tổng công ty Vigracela làm chủ đầu tư; dự án chung cư dành cho người có thu nhập thấp (Bình Chánh, TPHCM) do Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư; dự án đầu tư khu chung cư cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) của CTCP Vinaconex Xuân Mai; dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp (Sơn Trà, Đà Nẵng) do Liên doanh CTCP Đầu tư và Xây dựng 579 và CTCP Đức Mạnh làm chủ đầu tư; dự án nhà thu nhập thấp tại Biên Hòa, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Huế do Vincon làm chủ đầu tư; dự án nhà cho người thu nhập thấp tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang…

Khu nhà dành cho người thu nhập thấp Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Trên thực tế, vốn là vấn đề đau đầu nhất của các doanh nghiệp triển khai dự án nhà thu nhập thấp hiện nay. Và nhìn chung, 7 dự án nhà ở thu nhập thấp được đề xuất vay vốn mới chỉ là “muối bỏ biển” trong tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp.

Một báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội cho thấy trong 10 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp triển khai trên địa bàn chỉ có duy nhất 1 dự án chưa phát sinh các vướng mắc, 9 dự án còn lại đa phần đều chậm tiến độ, chậm triển khai do “đói” vốn, kể cả các “đại gia” như Viglacera, Hud, Vinaconex.

Thậm chí, một số chủ đầu tư còn đề xuất vay vốn ngân sách lên đến hàng trăm tỷ đồng, dự án xin vay ít nhất cũng lên tới vài chục tỷ đồng. Ngay như dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá - một trong 7 dự án được Bộ Xây dựng “bảo lãnh” để được BIDV cho vay vốn - chủ đầu tư Viglacera cũng từng đề xuất vay số tiền lên đến 100 tỷ đồng.

Ngoài vốn, một vấn đề gây đau đầu khác của nhà thu nhập thấp là việc ế ẩm hàng loạt dự án cũng đã được các cơ quan chức năng tìm cách khắc phục. UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 13 sửa đổi bổ sung một số điều của quy định việc bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Theo đó, thay vì phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại TP Hà Nội, các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp chỉ cần có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các quận, trường hợp hưởng lương ngân sách phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các huyện.

Quyết định của UBND TP Hà Nội được đưa ra sau khi có một số chủ đầu tư lên tiếng việc xét duyệt hồ sơ quá chặt chẽ khiến nhiều người khó tiếp cận với nhà cho người thu nhập thấp. Doanh nghiệp không hào hứng thực hiện vì cơ chế chính sách hỗ trợ chưa nhiều, trong khi đó, thị trường lại bó hẹp.

Đây cũng có thể coi là một “bước ngoặt” trong việc kích cầu đối với nhà thu nhập thấp. Bởi lẽ đối tượng được mua loại hình nhà ở này gần như đã thông thoáng hơn rất nhiều so với trước đây.

Một số chuyên gia BĐS cũng cho rằng cơ chế mở này sẽ giúp lượng người tìm mua nhà cho người thu nhập thấp tăng lên bởi lẽ những người có nhu cầu về nhà ở cao nhất, đa phần đều là công nhân viên chức đến từ các tỉnh ngoài Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Hà Nội phải tìm mọi cách hạ giá nhà để người thu nhập thấp sẽ là chủ nhân thật sự của những căn hộ này.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.