Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giám sát chặt các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện yêu cầu đưa lãi suất xuống tối đa 15%/năm đối với các khoản vay cũ. Số liệu từ nhóm 35 tổ chức tín dụng có báo cáo gửi NHNN cho thấy tỷ trọng cho vay với mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ chiếm 1,9%.

Theo một văn bản mà Vụ Chính sách tiền tệ vừa đưa ra, Vụ Chính sách tiền tệ đề xuất Thống đốc NHNN mời các ngân hàng thương mại chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện yêu cầu trên về trụ sở để làm việc với cơ quan Thanh tra, giám sát và các vụ chức năng khác.

Mục tiêu của các các cuộc làm việc, theo đề xuất trên, là nhằm yêu cầu các ngân hàng thương mại “thực hiện đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN”.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, chỉ có 28 ngân hàng thương mại đã có hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc giảm lãi suất 15%/năm đúng với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Đến ngày 27-7 vừa qua, theo Vụ Chính sách tiền tệ, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15% là 32,8%, giảm một nửa so với tỷ trọng trước ngày 15-7 căn cứ trên báo cáo của 35 tổ chức tín dụng.

Tính trung bình, bốn ngân hàng thương mại nhà nước (ngoại thương, đầu tư, công thương, nông nghiệp) đã giảm tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất 15% là 23%, giảm 38% so với ngày 12-7 (61%).

Nhóm 14 ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm bình quân tỷ lệ này còn 63%, giảm 13% so với ngày 12-7.

Nhóm 15 chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tỷ trọng bình quân dư nợ cho vay với lãi suất trên 15% là 8,8%.

Hai công ty tài chính là Prudential và PPF đã giảm 100% các khoản cho vay.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, nhóm 35 tổ chức tín dụng có báo cáo này chiếm thị phần tín dụng là 70,7%.

Ngoài tỷ trọng cho vay với lãi suất trên 15%/năm là 32,8%, nhóm các tổ chức tín dụng này cho biết dư nợ tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam với mức lãi suất trên 13- 15%/năm chiếm tỷ trọng 50,3%; mức lãi suất từ 10-13%/năm chiếm 15%, và mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ chiếm tỷ trọng vỏn vẹn 1,9%.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31-7, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tính đến ngày 25-7, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,57% so với cuối năm 2011.

Tăng trưởng tín dụng thấp đang là nguyên nhân cơ bản làm nền kinh tế Việt Nam rơi vào suy giảm.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.