Việc xây dựng, cải tạo chợ truyền thống đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại trở thành trung tâm thương mại (TTTM) là hướng phát triển phù hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, tình trạng vắng khách tại chợ truyền thống trong TTTM khiến nhiều tiểu thương phải chuyển nhượng chỗ bán hàng hoặc nghỉ kinh doanh. Đây thật sự là vấn đề không chỉ với các nhà quản lý.

Trung tâm thương mại chợ Hàng Da. Ảnh: Đức Nghiêm

Được đưa vào hoạt động từ tháng 10-2010, TTTM Hàng Da là mô hình kết hợp chợ truyền thống với TTTM hiện đại, đạt tiêu chuẩn chợ loại một, với hơn 500 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Khu vực tầng hầm của TTTM được bố trí làm chợ dân sinh. So với chợ cũ, chợ mới được quản lý chặt chẽ hơn, các gian hàng được phân khu rõ ràng, có hệ thống điều hòa không khí, đèn chiếu sáng, nước thải, rác thải được xử lý đúng quy định... Tuy nhiên, trong khi các chợ truyền thống khác tấp nập người mua, bán thì chợ tại TTTM Hàng Da vẫn vắng vẻ. Tình trạng ế ẩm, vắng khách từ khi khai trương đến nay đã khiến hơn 200 tiểu thương phải treo biển cần thanh lý, chuyển nhượng cửa hàng hoặc bỏ kinh doanh.

Sau một thời gian hoạt động, mô hình chợ nằm trong TTTM đã bộc lộ những bất hợp lý. Tổ chức mô hình chợ trong TTTM có nhiều điểm chưa thực sự phù hợp. Có thể nhận thấy ngay việc người dân không muốn vào mua sắm ở chợ trong TTTM là do lối vào chợ Hàng Da nằm khuất phía sau, chỗ gửi xe chật và nhỏ. Ngoài chi phí thuê gian hàng, tiểu thương phải đóng nhiều loại phí như vệ sinh, điện nước… khá cao, khiến giá các mặt hàng cao hơn bên ngoài.

Việc nâng cấp chợ cũ thành TTTM được tiến hành theo chủ trương xã hội hóa của TP. TP Hà Nội kêu gọi các chủ đầu tư bỏ vốn xây dựng, khai thác chợ. Với số vốn đầu tư lớn, chủ doanh nghiệp phải chọn phương án đầu tư có lợi nhất cho mình, như kết hợp xây chợ với TTTM hoặc hệ thống văn phòng cho thuê. Theo yêu cầu của TP, chủ đầu tư phải bố trí cho các hộ kinh doanh tại tầng một và tầng hai khi chợ mới xây xong. Hầu hết các chợ xây dựng mới thì kinh doanh đa mặt hàng từ thời trang, giày dép, đến thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống… khó phù hợp với mô hình chợ kết hợp với văn phòng cho thuê.

Mặt khác, từ nhiều năm nay, chợ cóc, chợ tạm giải tỏa được chỗ này lại mọc lên ở nơi khác. Sở Công thương Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án như đưa hộ buôn bán nhỏ lẻ về các khu chợ mới cải tạo, nâng cao hiệu quả của các chợ xây mới, TTTM… nhằm tạo thói quen mua sắm đúng nơi quy định, tạo thuận lợi để quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, những phương án trên đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số chợ, TTTM xây mới từ chợ cũ như chợ đầu mối Đền Lừ, Hải Bối, Bắc Thăng Long, TTTM Ô Chợ Dừa, Cửa Nam… đều khó thu hút được hộ kinh doanh do địa điểm không thuận lợi, thiết kế không hợp lý.

Việc cải tạo, xây mới chợ truyền thống thành những khu chợ khang trang, hiện đại là hướng phát triển đúng, nhưng duy trì được chức năng của chợ truyền thống là cả vấn đề. Để chợ truyền thống hoạt động có hiệu quả, các chợ mới phải được ưu tiên sắp xếp tại vị trí phù hợp, thuận tiện cho cả người bán - người mua; bố trí khu để xe rộng rãi. Bên cạnh đó cần xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, tích cực vận động tiểu thương vào chợ và tạo thói quen mua sắm đúng nơi quy định cho người dân.
Theo Hà Nội Mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.