Cách đây hai năm, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng, cải tạo một số khu chợ xập xệ trong nội thành, thành những trung tâm thương mại mới, hiện đại; trong đó dành phần diện tích đáng kể cho chợ dân sinh hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các tiểu thương tiếp tục kinh doanh hiệu quả hơn.

Nhưng sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh doanh này không đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng vắng khách kéo dài khiến hàng loạt tiểu thương trong chợ phải nghỉ kinh doanh, hoặc tìm cách chuyển nhượng chỗ bán hàng.

Chợ càng sang, càng vắng khách

17 giờ chiều 28-5, trong khi phần lớn các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Thủ đô tấp nập người mua, người bán, thì khu vực chợ dưới tầng hầm trung tâm thương mại Hàng Da vẫn vắng vẻ, thưa thớt. Các quầy bán thịt, cá, rau... lác đác một vài người mua hàng. Tại nhiều quầy không thấy bày bán thực phẩm, trên mặt bàn chỏng chơ chiếc chậu, chiếc thớt. Ði một vòng quanh chợ, thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những gian hàng trống có treo tấm biển nhỏ, với nội dung "cần thanh lý, chuyển nhượng cửa hàng" kèm theo số điện thoại liên hệ. Một chủ hàng đang lúi húi thu dọn: "Cả ngày chẳng có mấy khách, mà 18 giờ chợ đã đóng cửa. Tôi dọn hàng nhanh, rồi về sớm". Cách đó không xa, tại trung tâm thương mại chợ Cửa Nam, khu chợ dân sinh dưới tầng hầm, buổi chợ chiều cũng thưa thớt, uể oải không kém. Vắng khách, chủ hàng ngồi túm tụm buôn chuyện, tán gẫu với nhau.

Trung tâm thương mại Hàng Da (chợ Hàng Da) là mô hình kết hợp chợ truyền thống với trung tâm thương mại hiện đại, đạt tiêu chuẩn chợ loại 1, tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 10-2010, với 544 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Chợ Cửa Nam được xây dựng trên diện tích 900 m2, với tổng vốn đầu tư lên tới 280 tỷ đồng, quy mô gồm 13 tầng nổi, bốn tầng hầm với diện tích sử dụng hơn 10 nghìn m2, khánh thành tháng 7-2010. Việc xây mới chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam nằm trong kế hoạch nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn thành chợ trung tâm hạng I, khang trang hiện đại, phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống thương mại của Hà Nội. Khu vực tầng hầm của hai trung tâm thương mại này đều bố trí làm chợ dân sinh.

Khác với phần lớn chợ dân sinh khác trên địa bàn, chợ tại đây sạch sẽ, ngăn nắp, phân khu rõ ràng. Bên trong chợ, có hệ thống điều hòa không khí, đèn chiếu sáng hiện đại, công tác vệ sinh, an ninh... bảo đảm. Phần lớn các tiểu thương đều kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng, chợ mới không thu hút được người dân vào mua hàng. Tình trạng ế ẩm, vắng khách kéo dài từ khi chợ mới khai trương đến nay, khiến hơn hai trăm tiểu thương bỏ kinh doanh, treo biển bán lại cửa hàng hoặc đóng cửa triền miên.

Tâm lý tiêu dùng chưa thích nghi

Việc người dân không thích vào chợ trong các trung tâm thương mại mua sắm có nguyên nhân từ nhiều phía. Trước hết là từ chính việc bố trí các khu chợ này chưa mấy thuận lợi. Cổng vào chợ Hàng Da nằm khuất phía sau chợ, rất khó tìm. Chợ dưới tầng hầm, cửa kính đóng kín gây cảm giác ngột ngạt. Mặt khác, theo nhiều bà nội chợ thì giá bán các mặt hàng trong chợ có cao hơn giá các hàng bên ngoài một chút. Chị Thanh, một chủ hàng trong chợ Hàng Da cho biết: "Ngoài chi phí thuê gian hàng, chúng tôi còn phải đóng phí vệ sinh, điện, nước..., những chi phí này đều phải cộng vào giá bán, khiến giá cao hơn bên ngoài. Nhưng bù lại, hàng hóa trong chợ bảo đảm hơn". Chính sự bất tiện ban đầu này khiến chợ vắng khách dần.

Anh Lê Vũ Dương, nhà ở số 98 phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, nhà anh cách chợ Hàng Da không xa, nhưng anh thường dừng xe, mua thực phẩm tại các sạp hàng hoặc hàng rong trên đường, chứ không vào chợ. Không chỉ có anh Dương, nhiều người khác đều có tâm lý thích mua sắm dọc đường như vậy, cho nên việc mua bán tại các chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến phố Nguyễn Văn Tố, Phùng Hưng, Ngõ Trạm... diễn ra tấp nập, nhất là vào giờ cao điểm cuối chiều. Chính thói quen tiêu dùng kiểu "tiện đâu mua đấy" của người dân, khiến cho chợ cóc, chợ tạm, hàng rong ngoài phố ngang nhiên hoạt động, gây lộn xộn giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Việc xây dựng, cải tạo những chợ truyền thống theo hướng chợ hiện đại, khang trang, bảo đảm vệ sinh và thuận tiện quản lý là hướng phát triển phù hợp, tất yếu. So với chợ cũ, chợ mới được quản lý chặt chẽ hơn. Các gian hàng phân khu rõ ràng, hợp lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống nước thải, rác thải được xử lý đúng quy định. Bên cạnh việc bảo đảm văn minh thương mại, việc những tiểu thương của chợ cũ được tiếp tục hoạt động trong chợ mới còn bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động. Chợ truyền thống vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người dân và nền kinh tế Thủ đô.

Sau trung tâm thương mại Hàng Da, Cửa Nam, hiện thành phố đang tiếp tục triển khai mô hình này tại chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở... Nhưng sau khi xây xong, làm thế nào để chợ truyền thống trong khu thương mại có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả là cả một vấn đề. Trước hết, trung tâm thương mại mới xây dựng trên diện tích của chợ cũ phải ưu tiên sắp xếp, thiết kế vị trí đặt chợ truyền thống phù hợp, thuận tiện; bố trí khu vực bãi để xe rộng rãi, đầy đủ và miễn thu phí trông giữ xe. Quan trọng hơn, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Ðồng thì phải dẹp bỏ được chợ cóc, chợ tạm, hàng rong. “Nếu hàng rong vẫn thoải mái hoạt động, thì sẽ không có cơ quan nào đủ khả năng quản lý chất lượng hàng hóa, thực phẩm. Cảnh tắc đường, lộn xộn vẫn có thể diễn ra. Dẹp hàng rong, đưa các tiểu thương vào chợ sẽ tạo thói quen mua sắm đúng nơi quy định cho người dân, Nhà nước thuận tiện quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”. Bên cạnh đó là sự thay đổi ý thức tiêu dùng, sao cho hướng đến văn minh, hiện đại, an toàn của mỗi người dân. Có như thế, chợ truyền thống trên địa bàn mới dần dần có diện mạo hiện đại và hoạt động hiệu quả.

Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.