Hệ thống nhà hàng bia hình thành được tại khu “đất vàng” 3 mặt đường thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy có nguyên nhân việc thành phố Hà Nội quyết định cho Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng, Công ty CP thương mại Ngôi Nhà Mới thuê lại đất.

Đất công viên, cây xanh đã biến thành “Thế giới bia Lã Vọng”. Ảnh: Hà Anh

Vậy việc cho thuê cả đất công viên, cây xanh để kinh doanh nhà hàng lên tới 50 năm có phù hợp quy định?

Đất công viên không thể cho thuê

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: Đất đã nằm trong quy hoạch công viên, cây xanh thì không được mang ra cho thuê để mở nhà hàng, quán bia. Về nguyên tắc, đất sử dụng mục đích công cộng là đất nhà nước giao không thu tiền. Sau khi đã có mặt bằng thì giao cho cơ quan chức năng quản lý theo quy định về quản lý công viên, cây xanh. Ngay cả các công trình dịch vụ trong công viên, nhà nước cũng không thu tiền sử dụng đất...

Cũng theo ông Chính, trong trường hợp kêu gọi xã hội hóa một số hạng mục như vui chơi, thể thao, giải trí, dịch vụ công cộng trong công viên thì chỉ có tính chất cho thuê phần diện tích công trình xây dựng, chứ phần cây xanh, mặt nước, thảm cỏ của công viên thì không thể mang ra cho thuê dài hạn được. Trong công viên, cây xanh chỉ có các hạng mục phục vụ cho người dân như nghỉ ngơi thư giãn, tập thể thao, ăn uống nhẹ. Và khoản tiền thu được từ cho thuê các hạng mục dịch vụ công cộng này cũng nhằm phục vụ cho chính hoạt động quản lý, điều hành của công viên đó chứ ngân sách không xác định đây là nguồn thu.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, đối với những diện tích đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp khai thác kinh doanh thì đều phải trả tiền thuê đất. Thảm cỏ, cây xanh, hạ tầng phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì cũng phải thu tiền.

Bà Nguyễn Thị Bài, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nói: “Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công viên thì có nghĩa là doanh nghiệp phải xây dựng cả công viên sau đó khai thác phần dịch vụ. Phần cây xanh, thảm cỏ, hạ tầng có thể bàn giao cho chính quyền quản lý và cũng có thể giao cho chính chủ đầu tư quản lý. Tuy nhiên phần cây xanh, thảm cỏ là để phục vụ cộng đồng chứ không phải chỉ cho lợi ích của doanh nghiệp”, bà Bài nói.

Không thể xóa bỏ công viên, cây xanh

Về mặt quy hoạch, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, khu đất quy hoạch cây xanh, vườn hoa (CX2) nằm trong đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng theo Quy chuẩn xây dựng 01/2008 do Bộ Xây dựng ban hành, có chức năng phục vụ cho một nhóm ở. Lô đất CX1 quy hoạch công viên, cây xanh rộng hơn 1,7 ha có chức năng phục vụ cho người dân đô thị.

Quy chuẩn xây dựng cũng xác định rõ cây xanh công cộng trong khu vực dân ở phải đảm bảo tối thiểu 2m2/người. Theo quy hoạch đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng thì hệ thống cây xanh, công viên nằm tại CX1, CX2 nhằm tạo ra lẵng xanh gắn kết khu Trung Hòa - Nhân Chính với Công viên và hồ điều hòa Nhân Chính. Trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch của khu vực này cũng phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư.

Đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, quy hoạch quận Cầu Giấy trước đây chỉ có 15 vạn dân và do đó tất cả các hạng mục hạ tầng văn hóa, xã hội, thể thao đều theo mốc phục vụ cho 15 vạn dân.

Thực tế đến nay dân số của quận Cầu Giấy đã tăng vọt lên tới 25 vạn người (không kể đối tượng tạm trú). Trong đó, phường Trung Hòa hiện có tới trên 20 tòa nhà cao tầng, dân số hiện tại là gần 4 vạn người và khi các tòa nhà cao tầng đang xây đi vào hoạt động thì dân số sẽ tăng lên tổng cộng tới 6 vạn người.

“Với 6 vạn dân, phường Trung Hòa có mật độ dân số cao nhất Hà Nội. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho trường học, công viên thì không thể tăng thêm”- đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy khẳng định.

Từ khi hệ thống nhà hàng bia Lã Vọng đi vào hoạt động, nhiều người dân sống sát nhà hàng khổ sở vì từ sáng cho đến đêm người dân phải hít thở đủ mọi loại mùi từ nhà hàng bia bay ra. Nhất là về đêm, nhiều căn hộ liền kề nghe rõ cả tiếng “dô”, “dô” chạm cốc từ các thực khách. Nhiều tuyến vỉa hè, lòng đường quanh nhà hàng đã biến thành nơi đỗ ô tô chật kín...

Nhóm PVTS (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.