Mặc dù rất muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng không ít người nước ngoài vẫn còn tỏ ra e ngại nhất là những vấn đề liên quan đến thủ tục, pháp lý.
Dòng tiền mới dồi dào hơn

(Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam)

Việc cho phép người nước ngoài mua nhà và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư ở Việt Nam vừa mở ra cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản đồng thời tạo ra thách thức mới cho nhà đầu tư.

Trước đó, Luật Nhà ở đã từng quy định khắt khe việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã làm giảm nhu cầu thực tiễn của người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam, sau khi mở ra thông thoáng hơn dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam sẽ dồi dào hơn.

Việt Nam cũng thực hiện được mục tiêu kép là xuất khẩu được sản phẩm tại chỗ. Thậm chí sẽ tạo uy tín trong giao dịch, tạo thế đứng cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình quan hệ quốc tế.

Tới đây, dòng sản phẩm giá rẻ phục vụ nhu cầu những người thu nhập thấp là sản phẩm mong đợi nhiều năm nhưng chưa có cơ hội phát triển sẽ có những chính sách tốt hơn.

Đối với nhà đầu tư khi thực hiện chuẩn hóa các yếu tố, tham gia thị trường như nhà đầu tư, nhà môi giới, các cơ chế chính sách, hoạt động sàn quản lý chặt chẽ sẽ tạo ra định hướng tốt, chiến lược và sản phẩm tốt.
"Sẽ định hướng thị trường dài hơn"
(Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc Sàn bất động sản DTJ, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch G5)

Nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, thì sẽ có thêm nguồn tài chính mới, nhưng trước đây người nước ngoài mua nhà rất ít.

Tuy nhiên, sắp tới, luật mới cho phép người nước ngoài có thể mua tới 30% số căn hộ tại 1 dự án, thậm chí có thể sở hữu tới 250 căn nhà biệt thự, liền kề... sẽ thêm tài chính mới cho thị trường bất động sản.

Giúp thị trường có những khởi sắc và chuyên nghiệp hơn, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiềm lực mạnh sẽ định hướng dài hơn.

Chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định trong mối tương quan giữa những nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính tốt và những nhà đầu tư tiềm năng vốn ít làm ăn không chiến lược...

Ty nhiên, gần đây thực tế thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đang phát triển rất mạnh, thậm chí đang thắng thế trên thị trường trong nước nên việc có thêm cạnh tranh là tốt để nhà đầu tư trong nước có lợi thế.

"Không có ảnh hưởng gì tiêu cực cả"

(Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM)

Việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản và không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Góp phần tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định trong dài hạn và trước mắt cũng có tác dụng giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản hiện nay.

Song nếu cho người nước ngoài mua nhà ở các phân khúc mà không khống chế nhà giá cao cấp hay bình dân thì dễ tạo nên yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người thu nhập thấp ở Việt Nam mua nhà.

Nhu cầu tăng vọt

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Công ty CP Bất động sản Hanhud, nới các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà sẽ có nhiều điểm lợi. Làm tăng lượng tiêu thụ hàng hóa trong quá khứ và tương lai đều có cầu lớn do hội nhập ngày càng sâu rộng, người nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, lượng ngoại hối càng ngày càng nhiều.
Đồng quan điểm trên, giám đốc một công ty bất động sản ở TP.HCM cho biết, có nhiều lợi nếu tạo cơ chế thoáng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Thứ nhất là dòng tiền, hiện tại dòng tiền của bất động sản chôn vùi rất lâu, dễ đến 4-5 năm nay chưa được khai thông.
Thứ hai là tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm bất động sản, người nước ngoài cũng rất mong đợi điều này. Đồng thời, việc đẩy mạnh được giao dịch và thanh khoản bất động sản không những giải quyết được lượng hàng tồn lớn mà còn có thể tạo được công ăn việc làm mới cho hàng nghìn lao động.

Một khảo sát gần đây của Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam cho thấy, một số lượng lớn các nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Đặc biệt ở thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã dần quay trở lại với giá trị thật và nhu cầu thực.

Tuy nhiên, theo Savills, không ít người nước ngoài vẫn còn tỏ ra e ngại do môi trường đầu tư chưa thật sự thông thoáng nhất là vấn đề liên quan đến thủ tục, pháp lý.

Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ là nguồn lực rất lớn, kéo theo đó là dòng tiền đáng kể đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở sửa đổi. Theo đó, tại điều 159 Luật Nhà ở sửa đổi quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm ba nhóm.
Thứ nhất là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Thứ hai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Thứ ba, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng điều 159 quy định thêm về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Vĩnh Trà (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.