Đó là câu hỏi mà hàng ngàn người dân có đất ở vượt hạn mức tại TP.HCM đặt ra cho các cơ quan chức năng. Bởi, tình trạng ách tắc trong việc thu tiền sử dụng đất (SDĐ) tính đến thời điểm này đã kéo dài gần 3 năm, khiến hàng ngàn hồ sơ bị dồn ứ, còn giao dịch đất nền, nhà phố hầu như tê liệt.

Hàng loạt người dân có nhu cầu đóng thuế đất để giao dịch hay nhiều bậc cha mẹ muốn hợp thức hóa nhà để bán lấy tiền cho con đi học đều bất thành. Nhiều hợp đồng giao dịch đổ bể, người trong cuộc phải bồi thường hàng trăm triệu đồng mà cũng “chẳng biết kêu ai”. Thậm chí, Chi cục Thuế Q.Thủ Đức còn chứng kiến trường hợp đau lòng khi một ông cụ ngày nào cũng đến chờ đóng thuế, vì “chẳng may mất đi vì tuổi già sức yếu mà chưa kịp hợp thức hóa nhà đất để chia tài sản cho con, lỡ sau này con cái xảy ra tranh chấp thì đau lòng lắm”…

Trong khi người dân như “ngồi trên đống lửa”, thì UBND TP.HCM lại vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về những vướng mắc xung quanh việc thu tiền SDĐ trong khi TP hoàn toàn có đủ thẩm quyền để tự giải quyết. Bởi, Thông tư 93 của Bộ Tài chính (về hướng dẫn thu tiền SDĐ sát giá thị trường) đã giao từng tỉnh thành căn cứ vào tình hình cụ thể để quy định hệ số điều chỉnh so với bảng giá đất để áp dụng đối với diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình. Do đó, TP không cần thiết phải có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hệ số K bằng 2 lần bảng giá đất đối với đất ở của dân nữa, vì như vậy sẽ làm kéo dài thời gian chờ đợi của người dân một cách không cần thiết.

Chưa kể, việc TP.HCM tự ý bóc tách trường hợp cấp giấy chủ quyền được áp dụng hệ số K và trường hợp chuyển mục đích SDĐ phải thẩm định sát giá thị trường là không tuân thủ nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu áp dụng hệ số K cho cả 2 trường hợp này. Khi tự bóc tách như vậy, TP đã vô tình thu hẹp các đối tượng được áp dụng hệ số K theo quy định của Bộ Tài chính, gây ảnh hưởng quyền lợi người dân. Quan trọng nhất, chính việc tách ra nhiều trường hợp và chăm chăm đòi thẩm định sát giá thị trường đang là nguyên nhân trực tiếp gây ách tắc hoạt động hợp thức hóa nhà đất của dân. TP lấy lý do lo ngại đầu cơ đất để yêu cầu mọi trường hợp chuyển mục đích SDĐ phải đóng tiền sát giá thị trường là không hợp lý. Bởi TP vẫn chưa làm rõ thế nào là đầu cơ đất nông nghiệp, nên nếu quy định chung chung sẽ đánh đồng người dân có nhu cầu chính đáng với “đầu nậu” đất đai, gây thiệt hại quyền lợi người dân.

Có thể thấy, để xảy ra tình trạng ách tắc như trên, trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP.HCM là rất lớn. Thứ nhất, việc ban hành Quyết định (QĐ) 64 về hướng dẫn thu tiền SDĐ của TP đã chậm trễ đến 4 tháng so với thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thứ hai, QĐ 64 vừa ban hành đã bộc lộ hàng loạt bất cập, khiến hoạt động hợp thức hóa nhà đất của người dân tiếp tục bị đình trệ đến tận thời điểm này. Thứ ba, dù từ tháng 11.2011, các quận huyện đã kiến nghị sửa đổi QĐ 64 song đến nay chưa thấy UBND TP ban hành QĐ gỡ rối. Như vậy, việc TP cần làm ngay là tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về quy định hệ số K áp dụng cả với trường hợp hợp thức hóa nhà đất lẫn chuyển mục đích SDĐ, thay vì kéo dài sự chờ đợi của người dân một cách không cần thiết khi đẩy trách nhiệm lên Chính phủ.

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.