Với dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp, gánh nặng kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay tiếp tục đè nặng lên chính sách tiền tệ.
Đẩy ngân sách trước, bơm tín dụng sau

Một trong những thông điệp đầu năm mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng trong năm 2013. Theo đó, trong những tháng đầu năm, khi tín dụng vẫn bị tắc bởi nợ xấu, thì chính sách tài khóa phải đóng vai trò quyết định trong tạo tổng cầu cho nền kinh tế. Còn xét về tổng thể, trong cả năm 2013, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chính sách tiền tệ vẫn là “át chủ bài” để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, năm 2012, việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ chưa thật tốt. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, khi tín dụng tăng trưởng âm, thì chi đầu tư công lại quá chậm, chỉ khoảng 600 triệu USD/tháng. Trong 6 tháng cuối năm, đầu tư công mới nhích lên 1 tỷ USD/tháng, nhờ thế mà tăng trưởng kinh tế mới nhúc nhắc đi lên. Tuy nhiên, theo ông Thành, bước sang năm 2013, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ đã hé lộ những điểm mới căn bản.

“Các năm trước, thường vào quý I, Chính phủ mới bắt đầu đưa ra các chính sách mới và phải đến giữa năm mới bắt đầu thực thi. Tuy nhiên, năm nay, từ cuối năm 2012, Chính phủ đã đưa ra các thông điệp chính sách, chuẩn bị gói chính sách tài khóa để tăng tổng cầu, mà việc thực thi có thể bắt đầu ngay từ đầu năm. Đây là cách điều hành hợp lý, vì muốn đẩy tín dụng, ít nhất phải mất 2 quý để xử lý nợ xấu, xử lý 4 ngân hàng yếu kém còn lại”, TS. Thành nói.

Tuy có điểm mới trong điều hành, song để ngân sách bơm nhanh tiền ra nền kinh tế ngay từ quý I/2013 là không dễ. Chưa kể, luồng vốn này chỉ đến được với một bộ phận nhỏ doanh nghiệp. Trong bối cảnh xử lý nợ xấu còn chậm, để bơm tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sử dụng công cụ thị trường mở để giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng. Đây là cách duy nhất để NHNN hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhanh chóng bơm vốn rẻ ra nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế (Ngân hàng TMCP Hàng hải), công cụ quyền lực nhất trên thị trường tiền tệ nước ta hiện nay vẫn là nghiệp vụ thị trường mở. Tuy nhiên, năm 2012, công cụ này đã bị tê liệt. Phải đến tuần cuối cùng của năm 2012, thị trường mở mới được hồi sinh, sau khi NHNN giảm một loạt lãi suất điều hành. Đây chính là hy vọng của thị trường về việc giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng năm 2013.

Áp lực lớn cho chính sách tiền tệ

Tăng tín dụng, giảm lãi suất cho vay là mong đợi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp với chính sách tiền tệ năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguy cơ lạm phát cao là thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ trong việc giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng.

Theo phân tích của ông Hùng, các nguyên nhân gây ra lạm phát cao ở nước ta vẫn còn, đó là các yếu tố gây lạm phát chi phí đẩy, đặc biệt là lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng từ bao cấp sang giá thị trường. Vì vậy, năm 2013, để chính sách tiền tệ hiệu quả, phải kiên trì mục tiêu chống lạm phát dài hạn, ngăn ngừa lạm phát tái lập từ kênh tín dụng, tài khóa và cung tiền.

“Lạm phát mục tiêu dưới 6% trong năm 2013 theo chỉ đạo của Chính phủ là quá thấp. Nếu điều hành lạm phát ở mức này, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ phải thắt chặt, hoặc phải hạn chế nhập khẩu, hoặc giãn lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng mà Nhà nước quản lý giá. Những giải pháp này đều tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, hiệu quả sẽ bền vững hơn nếu lạm phát mục tiêu năm 2013 khoảng 8% và tăng trưởng tín dụng khoảng 17%”, ông Hùng khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, lạm phát năm 2012 giảm quá nhanh, giống như người sốt cao bị uống thuốc giảm sốt quá liều, có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đây cũng là cơ hội tốt để đẩy lãi suất cho vay xuống 9 - 10%/năm. Nếu làm được điều này, doanh nghiệp sẽ có thêm luồng sinh khí để phục hồi. Vấn đề đặt ra trong năm 2013 là, chính sách tiền tệ có chuyển hướng kịp thời với những diễn biến của lạm phát hay không?

TS. Trịnh Quang Anh, để chính sách tiền tệ phát huy hiệu lực, phối hợp tốt với chính sách tài khóa, việc tái cơ cấu nền kinh tế phải được đẩy nhanh. Việc đảm nhận quá nhiều mục tiêu khi sức khỏe của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế còn ốm yếu sẽ khiến chính sách tiền tệ bị quá sức.

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu duy nhất của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này phải gánh một lúc nhiều mục tiêu khác nhau: vừa ổn định giá trị tiền đồng, vừa kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…

Theo Hà Tâm (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.