Quanh những tranh cãi về quy định mở tối đa quyền mua nhà cho đối tượng người nước ngoài, trao đổi với ĐTTC, trên tư cách một người đã từng làm luật, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng đây là một chính sách mang tầm nhìn dài hạn của cơ quan quản lý nhà nước.

Một chính sách từ đóng chuyển sang mở, đặc biệt chưa từng có tiền lệ sẽ gây nên những lo lắng, hoài nghi là chuyện đương nhiên. Nhưng theo tôi không nên vì lo lắng không quản lý được hay hoài nghi về tác động mà đóng cánh cửa lại, vì đó là xu thế hội nhập tất yếu mà sớm hay muộn, nước ta cũng phải làm.

Quy định cởi mở của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đối với việc mua nhà của người nước ngoài là thấu đáo. Xem xét một cách kỹ lưỡng, luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi chính phủ) khi được phép vào Việt Nam làm việc, hoạt động được quyền mua nhà, nghĩa là đã loại trừ những đối tượng chỉ sang dăm ba ngày để du lịch, những đối tượng không có ý định gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Như vậy, những đối tượng còn lại, họ sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc, hoạt động, cống hiến và đóng góp cho nước ta thì không có gì phải e ngại trong việc cho họ mua nhà.

Nhận định như vậy để thấy rằng chúng ta cần phải có một chính sách mạch lạc trong quá trình toàn cầu hóa và Việt Nam cũng không nên đứng ngoài xu thế công dân toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Đặc biệt khi chúng ta đã gia nhập WTO và đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt, thể hiện một tầm nhìn xa trong việc xây dựng luật. Cũng cần lưu ý rằng không phải được cho phép là người nước ngoài sẽ ào ạt đổ xô mua nhà tại Việt Nam. Họ cũng sẽ có những tính toán, cân nhắc bởi số tiền bỏ ra không hề nhỏ.

Thí dụ, thời hạn visa chỉ được 1 tháng, họ có mua không, chắc chắn là không. Hoặc sẽ có những sự so sánh bởi một số nước láng giềng trong khối ASEAN như Malaysia, Singapore hay Thái Lan đều có những chính sách khuyến khích người nước ngoài mua nhà.

Vậy nên chăng cần có một chính sách thuế riêng cho đối tượng này? Tôi cho rằng không nên và không thể có một chính sách thuế để hạn chế một đối tượng riêng biệt mua nhà. Trên thực tế, thuế nhà, đất của chúng ta hiện nay còn khá thấp. Ở trên thế giới, thuế nhà, đất sẽ xấp xỉ 1% giá thị trường, trong khi đó ở nước ta mức thuế này được áp là 0,03% theo bảng giá nhà nước, tính ra chỉ tương đương mức 0,015% giá thị trường, như vậy là quá thấp, không thể hạn chế được tình trạng đầu cơ.

Chính vì vậy, không phải ra thêm 1 chính sách thuế riêng cho người nước ngoài mà cần nâng dần tỷ lệ thuế. Quy định này cũng nhằm thu được tiền thuế từ những đối tượng có tiền đầu cơ tích lũy nhà đất. Hay nói cách khác, đây là cách để đánh thuế những người giàu trong xã hội, trong đó bao gồm cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tóm lại, chủ trương mở cửa cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam là đúng đắn, song cần phải được xem xét đồng bộ với chính sách quy hoạch, chính sách tài chính gồm thuế, định giá và tín dụng để tránh việc bị lạm dụng đầu cơ bất động sản.

Về những ý kiến quan ngại chính sách quá thoáng sẽ dẫn đến những nguy hại về mặt an ninh, xã hội, tôi cho rằng khi chúng ta mở cửa, đồng thời chúng ta cũng phải có những biện pháp quản lý đúng đắn bằng nhiều quy định pháp luật. Nhà, đất vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam, pháp luật là do ta quy định nên chắc sẽ không khó để quản lý.

Về điều này đã có rất nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công và chúng ta có thể học tập. Thí dụ, nhằm hạn chế tối đa những tác động có thể đến an ninh, xã hội, một số nước đã ra hẳn một bộ luật để quản lý đối tượng người nước ngoài mua nhà trong nước như Luật Quản lý cư dân hay Luật An ninh nội địa…

Thay vì thấy khó mà không làm thì nên làm và hãy tìm ra những cách để quản lý một cách chặt chẽ, nghiêm túc, vừa giúp phát triển thị trường bất động sản, vừa làm gia tăng độ hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước, không phân biệt loại nhà và số lượng nhà được sở hữu. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi chính phủ) khi được phép vào Việt Nam làm việc, hoạt động thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chung cư và nhà ở riêng lẻ, kể cả nhà ở trong khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

(Điều 155 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi)

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.