Tháng 11-2015, chính quyền Thành phố Đà Nẵng sẽ cử đoàn đến Nhật Bản để quảng bá du lịch, trong đó nhắm đến việc xúc tiến mở đường bay thường xuyên nối Osaka và Đà Nẵng để thu hút du khách.

Hành khách tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng - Ảnh: Đào Loan

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Đà Nẵng, cho biết Nhật Bản là thị trường du lịch lớn thứ ba của thành phố, tốc độ tăng trưởng tốt nhưng hiện nay mới chỉ có một đường bay thường xuyên từ Narita (Tokyo) đến Đà Nẵng.

Do đó, trong chuyến đi sắp tới, thành phố sẽ làm việc với một số doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản, đại diện hiệp hội du lịch nước này cùng một số hãng hàng không để kêu gọi mở đường bay.

"Hai tháng trước, doanh nghiệp đã khai thác được 8 chuyến bay thuê bao từ Osaka đến Đà Nẵng. Chúng tôi thấy thị trường này rất quan trọng và cần phải có đường bay thường xuyên để kéo khách đến nên đang kêu gọi mở đường bay này," ông nói.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Đà Nẵng, nếu như năm 2012, chỉ có khoảng 26.000 lượt khách Nhật đến thành phố thì đến năm ngoái, lượng khách đã tăng lên khoảng 45.000 và năm nay cũng đang tăng tốt. Trong số ba thị trường dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng thì Nhật Bản là thị trường có ít đường bay nhất, trong khi đó Hàn Quốc và Trung Quốc lại rất nhộn nhịp với các đường bay thường xuyên lẫn thuê bao.

Cũng theo ông Cường, việc xúc tiến mở thêm đường bay từ Nhật Bản đến Đà Nẵng nằm trong kế hoạch của ngành du lịch là tập trung để thúc đẩy những đường bay thuê bao quốc tế có hiệu quả thành đường bay thường xuyên và mở đường bay đến các trung tâm du lịch lớn nhằm kéo khách quốc tế đến từ nước thứ ba.

Cơ quan quản lý du lịch Đà Nẵng cũng đang làm việc với một số hãng hàng không về việc mở đường bay Bangkok - Đà Nẵng. Đường bay này không chỉ nhắm đến khách Thái Lan mà nhắm đến du khách từ châu Âu, Úc đến du lịch nước này rồi nối chuyến sang Việt Nam.

"Đà Nẵng không thể có đường bay nối với các thị trường xa như châu Âu hay Mỹ nên chúng tôi nhắm đến việc kết nối với những trung tâm trung chuyển lớn như Bangkok hay Đài Loan... để đưa khách từ nước thứ ba về thành phố," ông nói.

Cũng theo ông, việc mở đường bay quốc tế kết nối với một số trung tâm du lịch lớn hiện đã có những điều kiện thuận lợi hơn trước. Chẳng hạn, với đường bay Bangkok, trước đây đã có hai hãng hàng không mở nhưng không khai thác được lâu là do thiếu lượng khách đối ứng, tức là khách trong nước đi ra ngoài ít, nhưng nay lượng khách này đã tăng trưởng tốt. Thêm vào đó, ngành du lịch cũng sẽ có những hoạt động hỗ trợ để cùng hàng không mở chuyến.

"Chúng tôi đang bàn đến nhiều biện pháp, trong đó có cả biện pháp hỗ trợ một số chỗ nhất định trên máy bay. Thêm vào đó, Đà Nẵng cũng sẽ thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến tại những thị trường xa như châu Âu để khách biết đến nhiều hơn," ông nói.

Trong chín tháng của năm nay, trong khi khách quốc tế đến cả nước giảm thì khách đến Đà Nẵng lại tăng, với khoảng 850.000 lượt, tăng khoảng 20% so vớ cùng kỳ năm ngoái. Lý giải cho sự tăng trưởng này, cơ quan quản lý du lịch cho biết đó là nhờ vào sự tăng trưởng tốt của các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản, giúp đem khách quốc tế đến nhiều hơn. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc cũng ổn định, không có mấy tháng sụt giảm như năm ngoái.

Đào Loan (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.