Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo các Bộ: Xây dựng, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về việc quy hoạch xây dựng hệ thống công sở cấp Bộ tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống trụ sở làm việc (cơ sở nhà, đất) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 9/2012; Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ; UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình tổ chức lập quy hoạch vị trí, xác định quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng đại diện mới, cơ chế chính sách di dời và chuyển đổi trụ sở, văn phòng đại diện của các cơ quan hành chính Nhà nước cấp Bộ; yêu cầu Bộ Xây dựng nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1429/TTg-CN ngày 3/10/2007 về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại TP Hồ Chí Minh và Công văn số 1140/TTg-KTN ngày 10/7/2009; phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP Hồ Chí Minh tiến hành lập quy hoạch xây dựng Văn phòng đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012.

Phân công, phân cấp, phân trách nhiệm cần phải rõ ràng

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam hết sức quan tâm trước tình trạng di dời và xây mới trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo mỗi Bộ mỗi cách khiến dư luận băn khoăn hiện nay. Ông Liêm nêu ý kiến, việc di dời, xây mới trụ sở các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tại Mễ Trì và Tây hồ Tây (cũng như sắp xếp lại trụ sở, xây dựng văn phòng đại diện các cơ quan này ở phía Nam) là chủ trương lớn của Chính phủ sau khi chúng ta đã có quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt. Việc tầm cỡ lớn cả về tính chất và quy mô đầu tư, nguồn lực đầu tư, hàm lượng trí tuệ, phạm vi ảnh hưởng… nhưng chúng ta phân công, phân cấp chưa thật rõ ràng và chưa xứng với yêu cầu của công việc đặt ra.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT sắp di dời, dành lại đất thực hiện quy hoạch Trung tâm Chính trị Ba Đình theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo ông Liêm, trong cả quá trình thực hiện một chủ trương lớn này, nên nghiên cứu việc gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phải đề nghị Chính phủ đứng ra mới đủ sức chuyển tình hình chứ không phải Bộ làm hay địa phương làm. Đó là những việc có tầm vĩ mô, liên quan đến nhiều cấp, nhiều đơn vị, không một Bộ hay địa phương nào lo được.

Ông Liêm đề nghị, chủ trương di dời và xây dựng trụ sở mới của các Bộ, ngành, xây dựng Trung tâm Hành chính quốc gia mới là việc rất lớn, nên đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải-Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản giữ vai trò Tổng chỉ huy, có cơ quan thường trực giúp việc bên dưới để giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh theo kế hoạch của Chính phủ. Vì việc xây dựng Trung tâm Hành chính mới, hệ thống trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Trung ương… cũng quan trọng như chúng ta xây dựng những trung tâm đô thị khác, như vùng kinh tế trọng điểm, công trình trọng điểm quốc gia… đều có sự phân công rõ ràng.

Để làm tốt chủ trương đó, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội, đơn vị hữu quan xây dựng một kế hoạch tổng thể về việc xây dựng Trung tâm Hành chính quốc gia, trên cơ sở đó đặt ra mục tiêu, yêu cầu đối với từng cơ quan, từng Bộ, ngành tuần tự thực hiện. Làm được như thế, sẽ tránh được nhiều hệ quả không mong muốn, đầu tiên là tránh thất thoát lãng phí, tránh xảy ra chuyện cơ quan cần vị trí hoành tráng và nhiều chỗ làm việc thì trụ sở lại nhỏ; kiến trúc cũ của một số trụ sở Bộ đáng bảo tồn thì lại phá bỏ đi hoặc ngược lại; cảnh quan không gian đô thị khô cứng, tách dời với trung tâm đô thị và đời sống người dân… mà một số Thủ đô các nước đã mắc phải.

Nên tham khảo mô hình, quy hoạch xây dựng Trung tâm Hành chính các nước

Kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng với góc nhìn của một nhà chuyên môn nhiều năm gắn bó với quy hoạch Thủ đô trong đó có vấn đề xây dựng Trung tâm Hành chính. Ông Hoàng cho biết: Hà Nội đề nghị các nhà chuyên môn góp ý về quy hoạch phân khu đô thị, thì một trong những đóng góp quan trọng là các bản quy hoạch này làm rõ vị trí các công sở mới ở đâu, công sở cũ sẽ sử dụng như thế nào. Vì lẽ, bản quy hoạch phân khu có giá trị và giầu tính khả thi sẽ là liều thuốc hữu hiệu giải bài toán di dời và xây dựng trụ sở mới đáp ứng các tiêu chí của quy hoạch chung Thủ đô đang đặt ra mà người dân cả nước quan tâm.

Để đạt được mong muốn đó, theo ông Hoàng thì cần tham khảo (xin nhắc lại là tham khảo chứ không dập khuôn) một cách nghiêm túc loại hình kiến trúc công sở ngay tại Hà Nội mang dấu ấn một giai đoạn hình thành, đó là các công trình Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tòa nhà tại Bộ Giao thông vận tải, Thư viện quốc gia… Hay như mô hình kiến trúc quy hoạch mang phong cách Á đông như: Đại học Dược, trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử…

Tham khảo không chỉ về kiến trúc, mà cả những vấn đề về quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông, vỉa hè, không gian cây xanh cho đến từng chi tiết tạo nên một diện mạo đô thị nơi công sở. Bên cạnh đó, cũng nên tham khảo công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng Trung tâm Hành chính, trụ sở các cơ quan công quyền một số nước như Malaysia, Brazil…để rút ra điều nên làm, điều nên tránh. Đáng chú ý, là việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng thành phố Se jong (thủ đô thứ hai) của Hàn Quốc mới đây.

Kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng lưu ý, điều rất đáng quan tâm là công tác chuẩn bị quy hoạch, xây dựng Trung tâm Hành chính của chúng ta thời gian qua chưa chu đáo, nên mới có chuyện không ít Bộ, cơ quan ngang Bộ đã xây dựng xong trụ sở đưa vào sử dụng tại Mễ Trì mà nơi đây chưa có thiết kế đô thị (thực chất là mới chia lô giao cho các đơn vị xây dựng); khu vực Tây hồ Tây đã giao cho một nhà đầu tư thực hiện dự án đô thị. Theo các chuyên gia, chúng ta thận trọng nhìn nhận vấn đề này để sớm có cách ứng xử phù hợp, mà việc sớm phải làm là xác định ngay quỹ đất cụ thể, tiến hành quy hoạch trụ sở các Bộ, ngành

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tru so bo