“Không chỉ Mai Linh mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bị tình trạng tương tự, đó là những cái chết do nhảy vào bất động sản. Nhiều lắm”.

Đây là một trong những ý kiến đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên VTC News về câu chuyện phải bán xe, bán đất vì không trả nổi nợ của tập đoàn Mai Linh.

Bà Chi Lan chia sẻ: Đây đúng là câu chuyện buồn và đáng tiếc nhưng thực sự là luôn luôn có rủi ro lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mà mình làm một lĩnh vực, đáng lẽ ra nên tập trung vào đấy thì lại đem dàn trải ra các lĩnh vực khác không thông thạo.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan.

Bên cạnh đó, đất đai thời gian vừa qua nóng lên hấp dẫn quá nhiều người lao vào. Giá mà Mai Linh chỉ tập trung vào lĩnh vực của họ, xe cộ vận chuyển, xe taxi ở các nơi.

"Bản thân Mai Linh có một đội xe tốt cung cấp cho các công ty, hãng thuê rất hiệu quả", bà Chi Lan đánh giá.

- Vậy theo bà, việc Mai Linh lún sâu vào nợ nần như hiện nay có nguyên nhân của việc đầu tư vào bất động sản?

Đúng vậy, sai lầm chính của họ là lan sang mảng đất đai, chứ nếu tập trung riêng vào lĩnh vực của Mai Linh thì họ vẫn phát triển vững vàng.

Ngay cả khi thị trường có xuống thì nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển với Mai Linh vẫn lớn, vị trí của họ đã quá tốt để có thể phát triển tiếp rồi.

Câu chuyện này là cái đau cái tiếc nhưng không chỉ Mai Linh mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bị tình trạng tương tự. Đó là những cái chết do nhảy vào bất động sản, nhiều lắm.

- Sai lầm này khiến họ phải trả giá như thế nào, thưa bà?

Mất lớn nhất của họ là làm mất, làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, kể cả đầu tư dạng cho vay vốn, khách hàng trong các lĩnh vực họ kinh doanh. Tất cả họ đều nghi ngại.

"Mất lớn nhất của họ là làm mất, làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, kể cả đầu tư dạng cho vay vốn, khách hàng trong các lĩnh vực họ kinh doanh. Tất cả họ đều nghi ngại. " - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Đấy là cái mất lớn nhất, nhưng thôi thì giờ họ phải tập trung vào xử lý, tôi mong cái hướng giải quyết của họ là rút khỏi bất động sản tập trung vào ngành mà mình có sức mạnh.

Với doanh nghiệp nào cũng thế thôi cần phải tập trung vào chuyên môn của mình.

Ngoài sai lầm của doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân quan trọng cũng là do sự dẫn dắt của chính sách khi mà nhà nước có những khuyến khích không đúng khiến các doanh nghiệp lao theo đầu cơ khi mà nhà nước để bất động sản phát triển quá nóng, nguồn tiền cho bất động sản quá dễ làm bất động sản sinh lời quá nhanh, quá lớn và quá dễ. Chính vì thế, nó mới lôi kéo nhiều doanh nghiệp nhảy sang như vậy.

Đó là một bài học lớn về chính sách còn các doanh nghiệp chắc sau này họ rút ra kinh nghiệm, họ sẽ tỉnh táo hơn và tôi cũng chỉ mong thế thôi.

- Liệu theo bà sẽ có cái chết mang tên Mai Linh?

Thực tâm tôi mong và hi vọng Mai Linh trụ được, còn đến có trụ được không hoặc trụ tới bao giờ thì vì không biết được nội tình của họ, nợ nần không biết thế nào, cũng không biết quy mô nợ các lĩnh vực khác nhau ra sao nên chịu không dám nói. Tôi cũng chỉ biết mong và hi vọng như vậy thôi.

Mai Linh là một trong những công ty hình thành từ nhỏ và lớn dần lên. Quá trình phát triển của họ tôi theo dõi thì rất thích. Với các doanh nghiệp trẻ của Việt Nam vượt lên như thế là rất thích còn việc họ lâm vào khó khăn thì cũng chỉ từ mấy năm trở lại đây thôi. Đây là bài học rất lớn cho các doanh nghiệp.

Khi thành công ở lúc đỉnh cao thì rất cần lưu ý xem xét lại mình như thế nào, vì thường là đến lúc thành công trong lĩnh vực nhất định nhiều khi sẽ dẫn tới chủ quan nghĩ là mình giỏi trong cái này thì cũng sẽ giỏi trong cái khác và dễ bị những cái khác lôi cuốn.

Trên thế giới, người ta cũng đã rút ra bài học này rồi, các tập đoàn lớn trên thế giới bây giờ cũng thế. Lúc thành công là lúc người ta lo nhất vì khả năng khi lên đỉnh cao những người lãnh đạo dễ có những cái chủ quan không tự lượng được hết sức mình.

- Theo bà, ai sẽ cứu được Mai Linh lúc này?

Nhà nước thì không rồi bởi nhà nước đâu có sức mà hỗ trợ đến mươi anh lớn như này. Khó lắm, vì tình trạng này đâu chỉ Mai Linh, nhiều lắm kể cả doanh nghiệp nhà nước. Đến doanh nghiệp nhà nước họ còn không tán thành nhà nước hỗ trợ để cứu những cái sai của họ nữa là đối những trường hợp như Mai Linh vì doanh nghiệp nhà nước còn liên quan tới tiền của dân đổ vào qua thuế cho nhà nước đầu tư vào.

Mai Linh là tập đoàn riêng thì càng khó.

Giải pháp cho Mai Linh lúc này chỉ có thể là họ phải rút khỏi bất động sản, thanh lý bớt tài sản, tập trung vào chuyên môn của mình và hi vọng mà thôi.

Tôi cũng mong họ sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

- Là một người gắn bó sâu nặng với doanh nghiệp, bà thấy thế nào khi đâu đó lại xuất hiện một điển hình kinh tế bị lún vào nợ nần, đổ vỡ?

Phải nói cái này đau lắm nhất là với những người như chúng tôi bao năm góp sức hình thành đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, đau lắm từ anh nhỏ tới anh lớn liêu xiêu cả.

Tôi cũng rất là lo với tình trạng như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhảy vào mua lại và lấn át dần doanh nghiệp Việt Nam.

- Cái khó chung của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài hiện như thế nào?

Các doanh nghiệp nước ngoài họ không bị tác động vĩ mô nhiều như doanh nghiệp Việt Nam, chí ít không phải vay với lãi suất cao tới trên dưới 20% như doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài họ có vốn lớn, có lực khác, nguyên vật liệu đầu vào cung cấp ổn định, họ lại không bị ép. Thực sự, họ có nhiều cái hơn mình lắm.

- Còn cái khó riêng của các doanh nghiệp vận tải như Mai Linh?

Đầu tư vào vận tải ở Việt Nam là vất vả lắm. Giá xăng dầu. phí trước bạ, phí giao thông, mỗi đầu xe cõng 9 thứ thuế phí mà còn muốn tăng nữa rồi lãi vay ngân hàng lớn, thời gian hoàn trả vốn khó hơn nước ngoài.

Bên cạnh đó, xe ở Việt Nam lại quá đắt, gấp 3 lần giá trên thế giới.

Tôi cũng vẫn chỉ mong những doanh nghiệp vận tải như Mai Linh và khối doanh nghiệp Việt nói chung tập trung đầu tư vào lĩnh vực thuận tay của mình để chèo lái qua giai đoạn khó khăn hiện này.

Xin cám ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

  • Bất động sản du lịch: Bên tháo chạy, bên nhập cuộc

    Bất động sản du lịch: Bên tháo chạy, bên nhập cuộc

    Khách sạn, khu nghỉ dưỡng... lâu nay được xem là miếng bánh của các nhà đầu tư lớn, dồi dào tài chính. Tuy nhiên, trong một thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng còn tù mù lối thoát, hàng loạt dự án đã treo biển rao bán vì nhà đầu tư cạn tiền.

  • Tháo chạy khỏi BĐS, đại gia bỏ của giữ thân

    Tháo chạy khỏi BĐS, đại gia bỏ của giữ thân

    Thị trường BĐS đang trong giai đoạn ngặt nghèo nhất khi mà nợ xấu nhiều, hàng tồn kho gia tăng… mặc dù đã tìm mọi cách nhưng không cải thiện khiến cho nhiều DN rơi vào thế “chùn chân mỏi gối” phải tìm cách thoát thân càng sớm càng tốt. Trong cả năm 2012, có hàng loạt các DN lớn thảo lui khỏi các dự án lớn vốn một thời là niềm tự hào, hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.

Theo Khánh Hòa (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.