Những lo ngại xung quanh vấn đề lạm phát leo thang đang ngày càng gia tăng tại khu vực châu Á, theo tờ Wall Street Journal. Tại các quốc gia như Ấn Độ, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc… chuyện tăng giá đã trở thành nỗi lo thường trực hàng ngày của người dân và chính phủ.

Giá thực phẩm tăng giờ đã trở thành một trong những mối lo hàng đầu của người Trung Quốc - Ảnh: Getty.

Mấy ngày gần đây, hàng chục nghìn người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình để phản đối tình trạng tăng giá lương thực và thực phẩm. Theo các chuyên gia, trong kế hoạch ngân sách sắp công bố, New Dehli sẽ tăng cường các biện pháp trợ giá thực phẩm cho người nghèo, với tổng mức trợ cấp dao động trong khoảng 15-30 tỷ USD.

Tuy nhiên, những người phản đối tình trạng thâm hụt ngân sách - hiện ở mức 5,2% GDP - yêu cầu Chính phủ hạn chế tăng trợ cấp cho người dân. Bởi thế, trong những ngày tới, Ấn Độ sẽ không chỉ đối mặt với sự bất mãn của người dân mà còn cả một cuộc tranh cãi gay gắt về việc tăng hay không tăng mức trợ cấp.

Lạm phát thực phẩm đã tăng vọt tai Ấn Độ trong vòng 1 năm trở lại đây. Riêng trong tháng 12/2010, giá thực phẩm mỗi tuần tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong mấy tuần gần đây, tốc độ tăng giá đã có phần chững lại, nhưng giá cả vẫn ở mức cao. Theo số liệu của Chính phủ Ấn, trong tuần kết thúc vào 5/2, giá thực phẩm ở nước này cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở nhiều nền kinh tế châu Á khác, chính phủ cũng đang cân nhắc các biện pháp trợ giá mới để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của tăng giá đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, những biện pháp như vậy có thể bóp méo nền kinh tế và đẩy lạm phát lên mức cao hơn vì khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Tại Hồng Kông, người đứng đầu cơ quan tài chính của chính quyền Hồng Kông John Tsang vừa tuyên bố một loạt biện pháp hỗ trợ người dân, bao gồm trợ cấp tiền điện và hoãn thu tiền thuê nhà ở hai tháng. Năm 2010, lạm phát ở Hồng Kông đạt mức 2,4%, nhưng theo ông Tsang, con số này có thể tăng mạnh lên 4,5% trong năm nay.

Thứ Sáu tuần trước, Singapore cũng công bố những biện pháp tương tự. Bộ trưởng Bộ Tài chính của đảo quốc sư tử là Tharman Shanmugaratnam đã trình bày một kế hoạch trị giá 6,6 tỷ Đôla Singapore, tương đương 5,2 tỷ USD, bao gồm các biện pháp cắt giảm thuế cho dân chúng, trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng thêm nhiều lợi ích khác.

Tại châu Á, áp lực lạm phát hiện đang ở mức cao hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới vì tốc độ tăng trưởng ở đây đã vượt xa mức phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ và châu Âu. Mặc dù một số ngân hàng trung ương tại châu Á như Indonesia và Trung Quốc đã mạnh tay tăng lãi suất trong mấy tháng gần đây, giới phân tích lo ngại khu vực này sẽ phải đương đầu với sự tăng trưởng nóng và lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Giá lương thực và thực phẩm toàn cầu tăng mạnh do ảnh hưởng của tình trạng thời tiết bất lợi ở nhiều nước, cộng thêm việc giá dầu thô tăng chóng mặt dưới tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Trung Đông-Bắc Phi càng như “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhiều chuyên gia và tổ chức uy tín đã cảnh báo rằng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng dầu lửa đang “lừng lững” hiện ra.

“Lạm phát đang là mối đe dọa lớn nhất đối với tình hình kinh tế vĩ mô trong khu vực. Đã đến lúc các nước châu Á cần tính chuyện chống lạm phát ngay từ trong ‘trứng nước’”, ông Donghyun Park, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Manila, khuyến cáo.

Những số liệu thống kê công bố gần đây khiến không ít người phải lo ngại. Tại Singapore, giá tiêu dùng tăng 5,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,6% trong tháng 12/2010 và mạnh hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích.

Giá nhà đất tại Singapore đã liên tục tăng mạnh trong nhiều năm qua và giờ đây giá thực phẩm cũng đang leo thang. Nhiều năm trước, tốc độ tăng lương ở nước này diễn ra với tốc độ chậm hơn, chủ yếu do các công ty Singapore nhập khẩu công nhân giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, sự phản đối của dân chúng Singapore đối với dòng công nhân nhập khẩu đã buộc Chính phủ phải đưa ra các biện pháp để hạn chế việc nhập khẩu này. Tuần trước, Singapore đã tăng thuế đánh vào nhân công nhập khẩu, và động thái này có thể đẩy chi phí nhân công ở nước này tăng lên.

“Thị trường lao động Singapore đang thắt chặt… áp lực lạm phát tiền lương đeo đẳng. Tôi cho rằng, thời kỳ lạm phát ở mức 1-2% tại Singapore giờ không còn nữa”, ông Kit Wei Zheng, một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Citigroup ở Singapore, nhận xét.

Tại Trung Quốc, một cuộc thăm dò do Trung tâm Phân tích và Giám sát kinh tế Trung Quốc phối hợp thực hiện cùng hãng nghiên cứu Nielsen cho thấy, niềm tin người tiêu dùng nước này trong quý 4/2010 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 do ảnh hưởng của lạm phát.

Theo các chuyên gia, giá thực phẩm tăng giờ đã trở thành một trong những mối lo hàng đầu của người Trung Quốc, với 84% người tiêu dùng được hỏi tin là giá thực phẩm sẽ tiếp tục leo thang trong 12 tháng tới. Trong tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 4,6% trong tháng trước đó. Riêng trong tháng 1, giá thực phẩm tại nước này tăng 10,3% so với tháng 12.

Tờ Wall Street Journal nhận định, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát nan giải nhất khu vực. Thống kê mới nhất cho thấy, CPI của Việt Nam trong tháng 2 tăng 12,31% so với cùng kỳ năm trước, mạnh nhất trong 2 năm, sau khi tăng 12,17% trong tháng 1.

Tờ báo này cho rằng, thống kê trên là một bằng chứng cho thấy Việt Nam chưa thành công trong việc hạ nhiệt tăng trưởng. Nhiều chuyên gia tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể đang tăng trưởng nóng một phần do ảnh hưởng của tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc tăng tỷ giá USD/VND mới đây cũng được cho là sẽ làm gia tăng thêm áp lực lạm phát tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều biện pháp mới nhằm chống lạm phát như tăng một số loại lãi suất, cam kết cắt giảm tăng trưởng tín dụng… nhưng các chuyên gia nước ngoài vẫn cho rằng, lạm phát ở Việt Nam còn tăng trước khi giảm nhiệt.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland