Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn thành phố vẫn ỳ ạch trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất không phải là câu trả lời tối hậu cho tăng trưởng tín dụng.
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, tín dụng tháng 6 của các NHTM trên địa bàn chỉ tăng 0,65% so với tháng 5, còn tính chung 6 tháng đầu năm 2014 tín dụng mới tăng 1,32% so với cuối năm 2013. So với mục tiêu tăng từ 12-14% năm nay mà NHNN đề ra thì tốc độ tăng trưởng này quá chậm.

Một điều dễ dàng nhận thấy đó là trong giai đoạn này hầu như NH nào cũng quảng bá các gói ưu đãi lãi suất, đa phần đều giảm lãi suất cho vay trong 3 tháng đầu, mức cho vay ngắn hạn có khi chỉ còn khoảng 6,5%/năm. Các tháng tiếp theo sẽ lấy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 2-4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo phản ánh của lãnh đạo các NH, cho dù đã có ưu đãi, cũng rất khó vì không nhiều DN muốn vay.

So với các NHTMCP khác trên địa bàn, Sacombank được đánh giá là một trong những NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn, và trong thời gian qua Sacombank đã triển khai 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 23.750 tỉ đồng và 120 triệu USD. Riêng với chương trình kết nối NH- DN, Sacombank đã dành 1.524,7 tỉ đồng và 2 triệu USD cho vay ưu đãi DN tại 18 quận, huyện và các KCN - KCX trên địa bàn TPHCM, Khánh Hòa và Đắc Lắc. Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo của NH này thì tăng trưởng dư nợ đến nay cũng mới hơn 5%. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - Phó TGĐ thường trực DongA Bank - cho biết, tín dụng của DongA Bank đến nay cũng chỉ mới tăng vài phần trăm và cũng chỉ tăng trưởng ở lĩnh vực XK, nhóm ưu tiên.

Theo nhiều lãnh đạo NHTM khác thì câu chuyện tăng trưởng tín dụng đang thật sự là một vấn đề nhức đầu trước tình hình khó khăn của thị trường khi sức mua giảm và tồn kho chưa cải thiện nhiều so với trước. Trong khi đó, nợ xấu và quá trình tái cơ cấu cũng khiến một vài NH đang hạn chế cho vay để tái cơ cấu lại hoạt động và đảm bảo thanh khoản.

Để tháo gỡ khó khăn, trong 5 tháng đầu năm nay NHNN Chi nhánh TPHCM đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó chương trình kết nối NH - DN đã phần nào cho thấy hiệu quả. Ông Nguyễn Hoàng Minh - PGĐ Chi nhánh NHNN TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay, thông qua chương trình cho vay “kết nối NH – DN”, các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã cho vay ưu đãi lãi suất gần 14.000 tỉ đồng, tức cao hơn con số của cả năm 2013. Số tiền trên được ký kết cho vay đối với 562 DN, 25 hộ gia đình và 5 hợp tác xã trên địa bàn. Lãi suất của các gói vay ưu đãi này khoảng 7-7,5% đối với khoản vay ngắn hạn, và 10-11% với các khoản vay trung, dài hạn, tức thấp hơn lãi suất thị trường từ 1-2 điểm phần trăm.

Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TPHCM thì trong lúc này muốn tăng trưởng được tín dụng đòi hỏi phải có sự kết hợp từ 2 phía là NH và DN để cùng tháo gỡ vướng mắc khó khăn, chứ chưa hẳn giảm lãi suất DN đã tiếp cận được vốn vay. Bởi vì thực tế, trong hơn 5 tháng đầu năm nay, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể, giảm 0,5% đối với các mức lãi suất điều hành của NHNN; giảm 0,2-1%/năm lãi suất cho vay tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại TCTD; điều chỉnh giảm thêm 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Còn dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một điều đáng quan tâm là lãi suất không phải là câu trả lời tối hậu cho tăng trưởng tín dụng. Đối với nhiều DN mà hoặc là không muốn vay vì họ chưa cần vốn để tăng cường hoạt động kinh doanh/sản xuất hay không thể vay vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, chẳng hạn không có tài sản đảm bảo hay thế chấp, sức khỏe tài chính yếu kém, thì lãi suất cho vay dù có hạ bao nhiêu, đối với hai loại DN này đều vô nghĩa.

"Và trong một môi trường tài chính mà lãi suất không còn tác động hữu hiệu như hiện nay, chúng ta phải quay sang những công cụ khác của kinh tế vĩ mô, đó là chính sách tài khóa. Giảm thuế, rà soát và giảm thiểu chi phí công, tăng cường đầu tư công, những chương trình của Chính phủ để kích thích tiêu dùng và cuối cùng là kích thích XK với mục đích kích thích tiêu thụ các sản phẩm của nền kinh tế. Từ đó kinh tế vĩ mô phục hồi, nhu cầu vay vốn tăng và tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng có thực chất. Tại thời điểm này tôi không nhìn thấy giải pháp nào khác ngoài những điều kể trên để tăng trưởng tín dụng" -TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Gia Miêu (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.