Với việc biến đối tác lớn nhất của mình là CTX Holdings thành “những người khốn khổ”, ông chủ dự án Olalani Resort & Spa Đà Nẵng Phạm Xuân Đức đã có một bức chân dung tự họa thật khó chấp nhận trước công luận.

“Chỉ biết luật Mỹ”

Là một Việt kiều Mỹ, ông Đức cho biết, ông rời Việt Nam từ lúc 10 tuổi. Tham gia đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam dự án Olalani Resort & Spa, vị chủ tịch Việt kiều được chú ý với lời giới thiệu hoành tráng khi tổng mức đầu tư lên tới 50 triệu USD.

Nhưng những ngày này, sự chú ý đó lại chuyển theo chiều hướng ngược lại trước thông tin “thiên đường” ra hầu tòa với tổng số tiền phạt hợp đồng lên đến 200 tỷ.

Chân dung ông chủ "thiên đường" Olalani Phạm Xuân Đức

>>Dự án Olalani: “Thiên đường” hầu tòa

Đứng trước một vụ án với số tiền phạt hợp đồng khổng lồ nhưng vị chủ tịch Phạm Xuân Đức vẫn đang mơ hồ với những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Vấn đề này chính ông Đức cũng thừa nhận: Tôi ra đi lúc 10 tuổi, tôi về đây mấy ngày, tôi còn thấy tôi chưa…biết luật lệ.

Mọi nhà đầu tư đều hiểu rằng mỗi nước đều có hệ thống pháp luật riêng và họ biết muốn đầu tư hiệu quả trước hết phải thực hiện đúng luật. Đầu tư hàng chục triệu USD nhưng lại “chưa biết luật lệ” như ông Đức nói là trường hợp khó tin?

Vẫn với lý do qua Mỹ từ nhỏ, nên trong cuộc trao đổi giữa PV ông Đức thường xuyên nói chuyện…bên Mỹ.

Trong nhiều vấn đề trao đổi, ông Đức không ít lần thản nhiên nói “không biết”, “không hiểu”. Đến khi PV đặt câu hỏi: “Dường như anh không nắm được về luật đúng không?”, ông Đức cũng thẳng thắn trả lời: “Đúng rồi”.

Không chỉ nói chuyện bên Mỹ, vị chủ tịch Việt kiều còn cho rằng: “Bên Mỹ đó, tôi nghĩ là luật Việt Nam cũng lấy từ nước ngoài ra về rất nhiều”.

Hàng trăm tỷ của CTX đang bị chiếm dụng

Liên quan đến vụ án “Tranh chấp về hợp đồng mua bán các căn hộ, villa” tại dự án Olalani, giữa nguyên đơn là Tổng công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (CTX Holdings) và bị đơn là Công ty CP Mỹ Phát –với số tiền đền bù thiệt hại lên đến 200 tỷ như đã đưa tin, ông Phạm Xuân Đức bày tỏ thái độ khá bình thản.

Việc cho thuê trái phép các căn hộ của CTX Holdings cũng được chính ông Đức xác nhận. Ông Đức nói rằng, dự án mở ra từ tháng 8/2013 và “khi opening tất cả hotel là dùng hết”. Tại thời điểm ông Đức bắt đầu cho thuê, giá phòng thấp nhất theo tìm hiểu của PV tại Olalani Resort được đưa ra khoảng 3.600.000 đồng/phòng/đêm. Đồng nghĩa với việc 2 villa và 57 căn hộ của CTX Holdings được mang ra cho thuê từ bấy đến giờ đã mang lại giá trị khổng lồ cho Mỹ Phát. Còn CTX Holdings chỉ còn biết “ngậm đắng nuốt cay” nhìn tài sản của mình bị chiếm dụng.

Thậm chí ngay cả khi bị CTX Holdings đưa sự việc ra toà, ông Đức vẫn kiên quyết không bàn giao tài sản với lý do gửi đến cho đối tác “toà đang thụ lý”.

Không bàn giao theo đúng hợp đồng ký kết nhưng lại thản nhiên đưa vào sử dụng. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng các căn hộ của CTX Holdings lại chỉ được phía Mỹ Phát thông báo “bằng mồm” theo như ông Đức nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đức nói: “từ hồi xưa tôi nghĩ, bên Mỹ cũng như vậy nữa, cái nhà người ta mua nếu mà người ta chưa trả tiền hết thì mình có quyền cho mướn”. Nhưng ông Đức quên rằng 57 căn hộ và 2 villa đã được cấp sổ đỏ mang tên CTX Holdings, là tài sản hợp pháp của tổng cty này từ nhiều năm trước. Rõ ràng không thể kinh doanh ở Việt Nam mà chỉ biết luật Mỹ. Nói vậy chẳng phải đang coi thường pháp luật Việt Nam hay sao?

Hồng Khanh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.