UBND thành phố Hà Nội vừa ra hàng loạt quyết định chấp thuận kết luận và kiến nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường về việc thu hồi đất của các doanh nghiệp vi phạm Luật Ðất đai.

Trong số các dự án bị thu hồi lần này, khu đất có quy mô lớn nhất là dự án Khu đô thị Thạch Thất, hơn 803 ha của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường tại các xã Phú Kim, Hương Ngải, Thạch Xá, Chàng Sơn, Kim Quan, Canh Nậu và thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất). Dự án bị thu hồi do đến nay không còn phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển đô thị của Hà Nội. Cùng với đó, có những dự án ở vị trí khá đắc địa như Nhà máy Cơ khí Công trình tại 199 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Mặc dù được giao quản lý, sử dụng 23.742 m2 tại mặt phố, nhưng doanh nghiệp này đã tùy tiện sử dụng diện tích khá lớn để cho thuê nhà, văn phòng... Doanh nghiệp này cũng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đăng ký quyền sử dụng đất. Hay khu đất tại số 62 Phan Ðình Giót (quận Thanh Xuân). Mặc dù được giao diện tích lên tới 22.340 m2 đất nhưng Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục I không thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong thời gian dài. Ðáng chú ý, tại quận Long Biên có ba khu đất bị thu hồi, tại số 449A và 449B Ngọc Lâm, 583 Nguyễn Văn Cừ và khu bờ bắc sông Hồng, phường Ngọc Thụy...

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khẳng định kiên quyết thu hồi đất tại các dự án, các doanh nghiệp vi phạm Luật Ðất đai, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, qua thanh tra, tất cả các trường hợp sử dụng đất nêu trên đều vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó nổi lên là việc nhận giao đất nhưng không triển khai dự án, tự ý cho thuê lại, sử dụng sai mục đích hoặc không nộp tiền thuê đất... Do đó, cùng với việc kiên quyết thu hồi và xử lý vi phạm để sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, UBND thành phố giao Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với Quỹ Phát triển đất lập kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn trả kinh phí cho các doanh nghiệp đã đầu tư trên đất theo quy định. Ðồng thời, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp có đất bị thu hồi phải phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan khi giải phóng mặt bằng, thực hiện quyết định thu hồi đất theo đúng quy định.

Vậy là, kể từ thời điểm thực hiện mở rộng Hà Nội vào ngày 1-8-2008, tiếp đó, Ðồ án quy hoạch Xây dựng chung Thủ đô được phê duyệt, với một vài lần thực hiện rà soát quy hoạch, đây là đợt đề nghị thu hồi đất đai có vi phạm lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội. Ðiều này cho thấy, việc buông lỏng quản lý đất trong thời gian qua đã làm xuất hiện ngày càng nhiều dự án "treo", gây lãng phí tài nguyên đất, đặc biệt làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây bức xúc cho người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Tại Kỳ họp HÐND thành phố lần này, các đại biểu thảo luận cho ý kiến và thông qua một loạt quy hoạch ngành như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống thoát nước, quy hoạch thủy lợi... Việc UBND thành phố ra quyết định thu hồi hàng loạt dự án do chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa, chậm triển khai..., khẳng định quyết tâm siết chặt tình trạng buông lỏng quản lý đất đai bấy lâu. Bởi một trong các nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo hiện nay là do công tác quản lý đất đai bị buông lỏng. Vì thế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại đô thị cần được triển khai thực hiện đúng, bài bản, khai thác có hiệu quả, để đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.