Trước tình hình cháy, nổ, nguy cơ sập đổ ở các công trình dân sinh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải có những chế tài mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư, các đơn vị, cá nhân liên quan cố tình "phớt lờ" những yêu cầu về đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư, các đơn vị, cá nhân liên quan cố tình "phớt lờ" những yêu cầu về đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Chủ trì cuộc họp liên ngành sáng 12/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ, cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu nhà ở, công trình dân sinh tăng cao kéo theo những vấn đề lớn trong quy hoạch, quản lý cũng như các vấn đề bảo đảm an ninh an toàn xã hội nói chung, trong đó có 2 mặt quan trọng là PCCC và chống sập đổ công trình.

Phó Thủ tướng đánh giá công tác PCCC thời gian qua được quan tâm, các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành khá đầy đủ, công tác thanh kiểm tra, xử lý được tăng cường.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của hạ tầng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, trước hết là công tác quy hoạch, kể cả quy hoạch các khu dân cư, công trình hạ tầng mới và khâu thiết kế, thi công xây dựng đã không chú ý đúng mức đến vấn đề PCCC. Ở các khu tập thể, khu chợ cũ thì tình trạng này ngày càng tệ hơn vì đa phần công trình xuống cấp, việc cải tạo hệ tầng khó khăn, không có giải pháp khả thi.

Nêu hàng loạt sự cố cháy nổ, sập đổ nghiêm trọng thời gian qua tại Hà Nội, TPHCM, thể hiện những hạn chế từ thiết kế, xây dựng, cấp phép thanh kiểm tra cũng như quản lý, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cần có chỉ thị hoặc thậm chí là một kế hoạch hành động mới nhằm chấn chỉnh lại công tác PCCC, chống nguy cơ sập đổ nhà cổ, công trình xuống cấp đang hết sức cấp bách.

Tinh thần của kế hoạch là các địa phương, các lực lượng hữu trách tập trung rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm, chế tài mạnh đối với các hành vi, thái độ thờ ơ, cố tình "phớt lờ" những yêu cầu, quy định về đảm bảo PCCC, an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Khi chỉ ra sai phạm, nguy cơ thì kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư có thời hạn khắc phục, xử lý dứt điểm, nhất là ở những khu mới hiện nay cố tình không xây dựng hệ thống PCCC hoặc chưa nghiệm thu mà cứ đưa người dân vào sinh sống. Trường hợp nghiêm trọng thì xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định.

Đối với các khu chung cư cũ thì tiến hành rà soát, nếu không đảm bảo các điều kiện phải yêu cầu các giải pháp bổ sung. Tương tự, tiếp tục rà soát lại toàn bộ các biệt thự, chung cư xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, lún nứt và phân loại mức độ, đề xuất phương án xử lý.

Tại cuộc họp, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đưa ra thống kê 5 năm gần đây, cả nước xảy ra 11.788 vụ cháy, làm chết 339 người, bị thương 906 người, thiệt hại về tài sản 6.505 tỉ đồng.

Riêng năm 2015, xảy ra 2.600 vụ cháy, làm chết 54 người, bị thương 215 người, thiệt hại 1.026 tỉ đồng, trong đó có 16 vụ cháy chung cư, nhà cao tầng, điển hình như vụ cháy chung cư HH4A Linh Đàm ngày 16/9, tầng hầm CT4A, CT4B KĐT Xa La ngày 11/10...

Điều đáng ngại là theo cơ quan chuyên trách, phần lớn các khu chung cư, khu dân cư được xây dựng trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực đều không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC: Thiếu hoặc không được trang bị hệ thống, thiết bị; công trình bị cải tạo như xây chuồng cọp, lần chiếm hành lang, hủy hoại hệ thống thoát nạn, đường ống dẫn nước.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm các quy định trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là một bộ phần chủ đầu tư không trình cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định; chuyển đổi công năng, tính chất sử dụng của công trình nhưng không thực hiện thẩm duyệt về PCCC hoặc đưa công trình vào hoạt động, đưa dân vào sống mà chưa được nghiệm thu về PCCC. Đây là sai phạm chủ yếu của các công trình chung cư, nhà cao tầng hiện nay.

"Mức phạt kể cả trăm triệu như hiện nay cũng không đáng gì với chủ đầu tư nếu họ tránh được việc chi hàng tỉ đồng cho hệ thống PCCC hết sức cần thiết này", Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn cho biết.

Báo cáo về tình hình an toàn chịu lực của nhà ở, công trình cũ tại các đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện cả nước có khoảng 3 triệu m2 sàn chung cư cũ với 100.000 hộ dân sinh sống.

Trong đó, Hà Nội hiện đã và đang rà soát khoảng hơn 1.500 khối nhà chung cư cũ, đặc biệt chú ý khoảng gần 200 khối nhà bị lún nứt nguy hiểm. TPHCM cũng rà soát trên 160 khối nhà tình trạng tương tự.

Hai thành phố hiện có gần 4.000 biệt thự cũ, hầu hết được xây dựng từ trước 1945 và trước 1975 với tình trạng chung là chất lượng bị giảm sút nghiêm trọng và vụ sập đổ công trình tại số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là sự cố gây thiệt hại điển hình được ghi nhận đến thời điểm này.

Nguyên Linh (Báo Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.