Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều dự án treo. Tuy nhiên, so với TP Hồ Chí Minh, việc triển khai thu hồi các dự án này lại chậm trễ hơn. Dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhưng số lượng dự án treo chưa được thu hồi trên địa bàn Thủ đô vẫn rất khiêm tốn, trong khi nhiều nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích xã hội như trường học, bệnh viện, nơi vui chơi còn đang thiếu.

Mới đây nhất, cuối tháng 9, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi gần 12.633m2 đất thuộc 2 dự án bất động sản chậm triển khai để ưu tiên đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa. Hai dự án bất động sản bị UBND TP Hà Nội thu hồi đất lần này cùng nằm trên địa bàn quận Ba Đình và là hai địa chỉ dự án treo hơn 14 năm.

Cụ thể, thu hồi 9.771m2 đất tại khu vực ao Út Tu, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình do Công ty Xây dựng phát triển nhà Ba Đình, nay là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Ba Đình triển khai. Khu đất này đã được UBND TP giao cho doanh nghiệp này từ đầu tháng 3/1998 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán, nhưng chậm triển khai thực hiện, vi phạm các quy định của Luật Đất đai. Khu đất thứ 2 bị thu hồi có diện tích 2.862m2 đất tại khu vực hồ Thương Binh, phường Kim Mã, quận Ba Đình cũng do công ty trên triển khai, được UBND TP giao đất từ tháng 2/1999 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở bán. UBND TP nêu rõ, lý do thu hồi là cả 2 dự án này đều chậm triển khai thực hiện, vi phạm Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định về các trường hợp thu hồi đất.

Thiếu trường học, thừa dự án bỏ hoang. Ảnh: Châu Anh.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, toàn bộ diện tích của hai dự án treo nói trên sau khi thu hồi sẽ được giao cho UBND quận Ba Đình quản lý, tổ chức GPMB và lập dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, uu tiên sử dụng làm trường học, trường mầm non, nhà văn hóa. UBND quận Ba Đình phải có báo cáo, đề xuất với UBND TP Hà Nội trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 26/9/2013 (ngày ký quyết định thu hồi).

Hà Nội có thể nói là địa phương có nhiều dự án treo nhất nước. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan có biện pháp xử lý đối với 131 dự án chậm triển khai trên địa bàn, nhưng đến thời điểm này, số dự án có quyết định thu hồi vẫn chưa “thấm” vào đâu. Tính đến hết tháng 6, Hà Nội đã có 160 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn lại 131 dự án, chiếm tới hơn 1.618ha còn chậm triển khai và chưa triển khai giải phóng mặt bằng. Thống kê của UBND TP cho thấy, trong số 58 dự án đang triển khai, thì có 30 dự án là vướng mắc về chính sách và 28 dự án vướng mắc là do khiếu nại của người dân. Có 16 dự án chậm triển khai do thiếu vốn hoặc thiếu quỹ nhà tái định cư. Bên cạnh đó, còn 4 dự án chưa triển khai do quyết định hết hiệu lực, 18 dự án chủ đầu tư không liên hệ với địa phương để thực hiện, 6 dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường và 7 dự án có khó khăn, vướng mắc khác chưa triển khai. Thành phố giao cho Sở TN-MT kiểm tra, kết luận, trường hợp nào có vi phạm xử lý theo nguyên tắc.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết, đất dành cho trường học vẫn đang thiếu nghiêm trọng. Để đáp ứng đủ nhu cầu học theo đúng chuẩn cho các em, Hà Nội cần xây dựng mới 290 trường học (mầm non, tiểu học và THCS) trong những năm tới. Nhiều quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy đều đề xuất xây mới từ 12 tới 29 trường học. “Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là tại các quận nội thành, bởi quỹ đất gần như không còn”, bà Nga bày tỏ. Rõ ràng, những dự án treo, trong đó có nhiều dự án “nằm” tại các vị trí đắc địa đang bị bỏ hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả, hoặc vi phạm pháp luật đất đai hoàn toàn phù hợp cho việc xây trường học. UBND quận Tây Hồ đã đề xuất 10 địa điểm đang để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả để mở rộng xây dựng Trường Mầm non Chu Văn An. UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất 7 địa điểm để xây mới một số trường học. Quận Hai Bà Trưng cũng đưa ra 13 địa điểm cần thu hồi để xây trường học. Sở TN-MT phối hợp với các quận, huyện xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu xác định đủ căn cứ, Sở TN-MT sẽ lập hồ sơ, trình UBND TP xem xét, quyết định thu hồi với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, nhằm sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích

Ngọc Yến (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.