Điều cần nhấn mạnh ở đây là cắt sốt vàng là điều nên làm, chứ không phải là "bình ổn" giá. Hai chuyện này khác nhau về bản chất. Cắt sốt vàng là chặn vòng xoáy đổ xô mua vàng để làm cho chính sách tiền tệ phát huy tác dụng, còn "bình ổn" như ở Việt Nam là liên tục mua hoặc bán để "neo" giá vàng trong nước vào giá vàng thế giới.

Những cơn sốt vàng trong quá khứ, hiện tại, và chắc cả tương lai luôn làm đau đầu các nhà quản lý ở Việt Nam. Và để cắt cơn sốt vàng thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường tìm cách can thiệp trực tiếp và gián tiếp vào chuyện mua bán vàng trong nước và thông qua kênh xuất nhập khẩu vàng. Gần đây, khi giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với giá thế giới, NHNN đã đưa ra một số giải pháp "bình ổn" giá vàng mới nhằm tăng nguồn cung để thu hẹp khoảng cách này lại.

Tại sao vàng sốt?

"Sốt" vàng hay sốt bất cứ một loại hàng hóa nào khác là biểu hiện của cung cầu đột nhiên mất cân đối với chênh lệch nghiêng hẳn về phía cầu, cho dù cung có thể giảm đi, không đổi và tăng lên (nhưng vẫn nhỏ hơn tốc độ tăng của cầu). Cầu về vàng (và ngoại tệ) tăng lên thường là kết quả của một (số) biến động vĩ mô và được đốt nóng thành cơn sốc cầu bởi tâm lý bày đàn. Những biến động vĩ mô gần đây có thể kể đến là lạm phát cao, lãi suất tiền gửi bị áp trần, khả năng đổ vỡ của hệ thống ngân hàng với sự hoang mang không biết gửi tiền vào đâu cho an toàn của dân chúng, bất động sản và chứng khoán suy sụp và kém thanh khoản, thâm hụt thương mại lớn trong khi tỷ giá lại bị kìm giữ một cách khiên cưỡng, triển vọng kinh tế đầy bất trắc và rủi ro..v.v...

Trong hoàn cảnh như thế, giữ VND là có vẻ là một lựa chọn ít khôn ngoan nhất, và đương nhiên cái mà người ta thường nghĩ đến là vàng và ngoại tệ, là những nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình. Khi một số người làm thế sẽ kéo theo nhiều người khác làm theo, với nhiều đồn đoán rằng giá vàng sẽ còn tăng lên nữa. Yếu tố tâm lý xuất hiện và hoàn thiện vòng xoáy tăng giá vàng (và ngoại tệ), biến việc đầu tư vào vàng thành cơn sốt.


Cắt sốt giá vàng - việc cần làm hơn là bình ổn

Việt Nam đang dùng liệu pháp sai cho căn bệnh sốt vàng, "vàng hóa"? (ảnh Phạm Hải)

Lý do cho việc cắt sốt vàng

Điểm lại báo chí thì thấy chỉ có một số ít lý do không nhất quán mà giới hữu trách và các chuyên gia đưa ra để biện hộ cho việc tại sao phải cắt cơn sốt vàng và bình ổn giá vàng, như tóm tắt dưới đây.

1. Nếu sốt giá (vàng) tiếp tục kéo dài và thu hút sự quan tâm ngày một lớn của dân cư sẽ khiến lượng vốn dùng để sản xuất kinh doanh nằm chết trong vàng (và không tạo ra một đồng GDP nào cho xã hội) (1).

2. Khi người dân mua vàng sẽ có những trường hợp rút tiết kiệm ra mua, gây ảnh hưởng xấu tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng vốn chưa hết khó khăn. Theo đó, các ngân hàng có thể thiếu vốn cục bộ. Hệ quả là họ có thể tiếp tục phải nâng lãi suất lên cao để giữ chân khách hàng trong khi chúng ta đang mong muốn ổn định lãi suất.

3. Khi nhu cầu mua gom vàng tăng cao, nguồn cung trong nước thiếu thì ngân hàng và doanh nghiệp sẽ lại phải dùng đôla để đi nhập khẩu. Tỷ giá khi đó sẽ chịu nhiều áp lực. Cùng với niềm tin mong manh vào tiền đồng, sốt giá vàng sẽ càng làm tăng thêm áp lực lên lạm phát.

4. Sốt vàng sẽ rút bớt vốn ra khỏi thị trường chứng khoán, và vì thế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất đang trầy trật vì thiếu vốn.

Chúng ta sẽ lần lượt xem xét tính chính đáng của từng lý do.

Về lý do thứ nhất, khi đem ra trao đổi (mua bán) thì người mua vàng sẽ phải trả cho người bán vàng một lượng tiền (nội tệ hoặc ngoại tệ) có giá trị tương đương tại thời điểm mua bán. Giả thiết sau khi mua vàng xong, chủ sở hữu mới không bán nữa. Khi đó đúng là vàng nằm chết ở trong két sắt hoặc đâu đó. Nhưng những đồng tiền dùng để mua vàng không nhất thiết phải nằm chết theo vàng! Loại trừ một số rất ít trường hợp người bán vàng xong thì cất tiền vào tủ hoặc dưới chiếu, trong những trường hợp còn lại thì tiền đó có thể lại quay vòng để mua vàng mới, để mua cái gì khác, hoặc đầu tư vào đâu đó, kể cả gửi ở ngân hàng. Tức là, lượng vốn dùng để trao đổi vàng hoàn toàn có thể quay lại lưu thông, đi vào sản xuất, và do đó vẫn tạo ra giá trị thặng dư (GDP) cho xã hội. Vì vậy, không thể kết luận rằng cơn sốt vàng làm giảm lượng vốn cho sản xuất kinh doanh và làm giảm GDP.

Về lý do thứ hai, khi dân "chẳng may" có rút tiền tiết kiệm ra mua vàng thì cũng không nhất thiết làm ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tương tự như phân tích ở đoạn trên, hoàn toàn có khả năng người bán vàng xong sẽ gửi lại tiền vào ngân hàng. Cũng hoàn toàn có khả năng lượng tiền thu được sau khi bán vàng lại được gửi vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn là lượng tiền rút ra từ ngân hàng để mua vàng (ví dụ, có thêm người bán vàng gửi tiền vào ngân hàng). Do đó, vì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng có thể không thay đổi, hoặc thậm chí tốt hơn, nên nếu dù một ngân hàng nào đó có bị rút tiền gửi ra để mua vàng thì về nguyên tắc hành động tăng lãi suất cục bộ để giữ chân khách hàng sẽ nhanh chóng bị dung hòa bởi lượng thanh khoản lớn trong hệ thống và cuối cùng lãi suất cả hệ thống sẽ trở về trạng thái cân bằng như trước.

Nếu "chẳng may" lượng tiền rút ra mua vàng có lớn hơn lượng tiền gửi vào sau khi bán vàng và dẫn đến thiếu hụt thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, thì điều này chỉ đơn giản nói lên rằng tiền gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa. Nên nếu người ta không đầu tư vào vàng và dẫn tới cơn sốt vàng thì sẽ lại đầu tư vào một (số) tài sản khác và dẫn đến cơn sốt cho những tài sản đó, kết cục hệ thống ngân hàng vẫn sẽ phải chịu ảnh hưởng. Cho nên sẽ là quá vội vã và cảm tính khi kết luận cơn sốt vàng là nguyên nhân trực tiếp và/hoặc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Đối với lý do thứ ba, sốt vàng đúng là sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Nhưng suy cho cùng, Việt Nam không phải là nước có nguồn cung vàng lớn để coi vàng như một thứ "của nhà trồng được". Vì thế, trên khía cạnh này có thể coi vàng là một loại ngoại tệ (có đủ 3 chức năng của tiền tệ là phương tiện trao đổi, đo đếm, và lưu trữ giá trị, cộng thêm chuyện Việt Nam không can thiệp được vào cung cầu của nó), tuy có thể coi nó là ngoại tệ đặc biệt. Vậy thì việc hoán chuyển từ USD (dùng để nhập khẩu vàng) sang vàng cũng nên coi là một việc bình thường, cũng tương tự như khi NHNN thay đổi cấu thành ngoại tệ trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình (gồm USD, Yen, Euro, vàng, và có thể một số ngoại tệ mạnh khác). Vấn đề cần và đáng tìm hiểu hơn là tại sao người ta lại muốn chuyển đổi tài sản của mình từ nội tệ sang ngoại tệ (và vàng), là cái mà ta sẽ bàn thêm dưới đây.

Về lý do cuối cùng, tiền mặt, vàng, chứng khoán, bất động sản, các loại giấy tờ có giá hoặc bất cứ một loại tài sản có tính thanh khoản nào khác suy cho cùng đều là hàng hóa và được người ta nắm giữ trong danh mục phân bổ tài sản tối ưu theo tính toán riêng của mình. Mà như đã nói ở phần trên, khi bán xong một loại tài sản nào đó, lượng vốn (tiền) thu được hoàn toàn có thể quay lại những thị trường hàng hóa nói trên (gồm thị trường chứng khoán) hoặc trực tiếp/gián tiếp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hoặc bất cứ vào tiền tệ hàng hóa nào khác nếu nó mang lại lợi nhuận lớn hơn theo cách tính của chủ nhân của lượng vốn đó. Nói cách khác, các loại thị trường chỉ là nơi giao lưu của những dòng vốn và là nơi sang tên đổi chủ các dòng vốn, chứ không phải là "ao tù" để cầm tù những dòng vốn theo nghĩa là chúng phải nằm chết ở đó. Và kể cả nếu thị trường chứng khoán có bị rút ra một phần vốn thì đó là do lợi nhuận tiềm năng thu được từ thị trường này không còn hấp dẫn nữa, và không có lý do gì để cố tìm cách bảo vệ thị trường này bằng cách "chặt" đi các kênh đầu tư khác trong một nền kinh tế thị trường.

Như vậy, có thể thấy các lý do trên hoàn toàn không thỏa đáng để biện minh cho hành động can thiệp cắt cơn sốt vàng (về bản chất là cắt/giảm đi tính hấp dẫn của kênh đầu tư vàng), và đặc biệt là khi phải trực tiếp hoặc gián tiếp dùng đến nguồn lực quốc gia (dự trữ ngoại hối của NHNN) để mua vàng về bán "bình ổn". Thực tế này đòi hỏi trước khi "bình ổn" cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa tại sao lại có cơn sốt vàng, tại sao người ta lại muốn chuyển đổi tài sản của mình từ nội tệ sang vàng (hoặc ngoại tệ nói chung), để rồi từ đó mới có quyết định có nên bình ổn hay không và làm thế nào để hiệu quả nhất.

Có nên cắt sốt và "bình ổn" giá vàng?

Khác với 4 lý do nói ở trên, người viết cho rằng lý do đáng kể duy nhất để cắt sốt vàng (hay ngoại tệ) là tăng cường tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ của NHNN. Khi cắt được cơn sốt vàng (tức là làm cho vàng mất đi tính hấp dẫn tương đối so với các loại tài sản khác, và vì thế, người ta không còn thi nhau đổ dồn vốn vào vàng nữa) nền kinh tế sẽ bớt bị "vàng hóa", cũng tương tự như bớt bị đôla hóa. Lúc đó, nhu cầu nắm giữ tài sản bằng nội tệ sẽ tăng lên và do đó mọi thay đổi trong chính sách tiền tệ của NHNN sẽ có hiệu quả như mong muốn hơn (chẳng hạn chính sách hạ lãi suất - lưu ý là chỉ so sánh về mặt tương đối).

Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là cắt sốt vàng là điều nên làm, chứ không phải là "bình ổn" giá vàng. Hai chuyện này là khác nhau về bản chất. Cắt sốt vàng là chặn vòng xoáy đổ xô mua vàng để làm cho chính sách tiền tệ phát huy được tác dụng hơn. Còn "bình ổn" giá vàng như ở Việt Nam đang thực hiện là liên tục mua hoặc bán để "neo" giá vàng trong nước vào một cái neo nào đó, mà ở đây là giá vàng thế giới, với hy vọng rằng khi giá vàng đã "ổn định" thì tâm lý đầu cơ không còn và vàng sẽ mất đi tính hấp dẫn.

Nhưng vì giá vàng thế giới biến động mạnh từng phút từng giờ nên tự nhiên giá vàng "bình ổn" trong nước cũng phải biến động theo, làm mất đi ý nghĩa của việc bình ổn giá vàng theo cái nghĩa như việc bình ổn giá thịt lợn trong nước (không tăng, ít tăng, hoặc tăng chậm), và do đó không dập tắt được tâm lý đầu cơ, và vì thế cũng không làm giảm được tính hấp dẫn của việc đầu tư vào vàng (với hy vọng giá vàng sẽ lên trong tương lai để mang lại lợi nhuận cho người đầu tư hiện tại).

Thêm nữa, kể cả khi đã "bình ổn" được giá vàng trong nước (tức là giá vàng trong nước tiệm tiến gần sát giá vàng thế giới) thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc làm bớt đi sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của người dân thay cho nội tệ. Nếu tính hấp dẫn của kênh đầu tư vàng ở khía cạnh này (bảo toàn giá trị tài sản so với việc lưu giữ tài sản bằng nội tệ) không thay đổi trước và sau khi giá vàng được "bình ổn", khi giá vàng thế giới tăng lên thì giá vàng trong nước cũng sẽ phải tăng lên theo, kéo theo thêm một lượng tài sản được chuyển từ nội tệ sang vàng, vô hình trung càng tăng nạn "vàng hóa".

Nói cách khác, Việt Nam đang dùng liệu pháp sai cho căn bệnh sốt vàng, "vàng hóa"!

Giải pháp căn bản nào?

Từ phân tích trên, có thể thấy nguyên nhân căn bản cho căn bệnh này là sự mất lòng tin vào các tài sản bằng nội tệ (gồm cả tiền gửi ở ngân hàng), và sâu xa hơn nữa là các bất cân đối vĩ mô và vai trò và trách nhiệm của Chính phủ. Chỉ sau khi có các chính sách xử lý đúng đắn, lập lại các cân đối vĩ mô thì lòng tin vào nội tệ mới quay trở lại, và nội tệ sẽ lên ngôi thành công cụ thanh toán, trao đổi và lưu trữ giá trị chính thay cho vàng hay ngoại tệ.

Nếu tiếp tục (cố tình) hiểu sai bản chất vấn đề và chỉ xử lý phần ngọn như bây giờ (cấm đoán, hạn chế, cấp giấy phép v.v...) thì nếu không dẫn đến cơn sốt vàng thì cũng sẽ dẫn đến cơn sốt những cái khác, trong khi một nguồn lực lớn của nhà nước tiếp tục được đổ ra một cách vô ích để can thiệp, như chuyện "bình ổn" giá vàng hiện nay.

Theo T.S Phan Minh Ngọc (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.