Sau 5 năm thí điểm cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm, UBND Tp Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc cấp GCNQSDĐ, sở hữu nhà ở cho Việt kiều và người nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Thông thoáng nhưng không thả nổi

Theo các chuyên gia, quyết định này sẽ có tác động tới thị trường bất động sản cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Đây là một thông tin tốt để gia tăng sự thu hút, mua nhà tại Hà Nội, bởi hiện nay số lượng người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài cũng như người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam muốn sở hữu nhà tương đối lớn. Khi những người này gia tăng mua bất động sản, chắc chắn sẽ đẩy mạnh giao dịch trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà cao cấp, giá cao...
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Việt Nam đã cho phép người nước ngoài mua nhà và đến Luật Nhà ở năm 2005 lại tiếp tục khẳng định vấn đề này trên diện rộng. Tuy nhiên, trên thực tế các địa phương lại không thực thi theo luật và mới đây UBND TP Hà Nội mới ra Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, đất ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Thị trường bất động sản hy vọng sẽ ấm lên nhờ chính sách thông thoáng
GS TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, giờ chúng ta mới làm là muộn nhưng muộn còn hơn không. Quyết định này sẽ tạo ra độ tin cậy cao hơn vào thị trường, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà pháp luật Việt Nam quy định. Ngoài ra, còn góp phần đảm bảo cho giao dịch thị trường tốt hơn, khắc phục được những rủi ro khi đã bỏ tiền ra mua nhà, đất nhưng lại không được cấp giấy.
Tuy nhiên, GS TS Đặng Hùng Võ cho rằng để thực hiện tốt được chính sách này thì vấn đề phải xuất phát từ chính các quận huyện, nghĩa là UBND TP Hà Nội cần phải có những giám sát chặt chẽ trong việc thực thi quyết định, tránh tình trạng cho phép người nước ngoài mua nhưng lại không cấp sổ đỏ cho họ, đánh mất niềm tin từ đối tượng này và đến lúc đó thị trường lại càng rối hơn.
“Luật thông thoáng không có nghĩa là chúng ta quá thả nổi mà cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và sát thực, để đến một lúc nào đó, khi thị trường phục hồi, người dân Việt Nam vẫn còn có cơ hội để sở hữu nhà. Đây là việc làm không chỉ của riêng UBND TP Hà Nội mà cần có sự chung tay góp sức của đông đảo các ban ngành thì mới mong quyết định đi đến hiệu quả cao nhất”, ông Võ nói.
Tư duy bình đẳng
Ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, theo quy định, người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ mới dừng ở mức thí điểm, trong đó cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm thí điểm (từ năm 2008) đến nay chính sách này đã bộc lộ rõ những hạn chế mà điển hình là việc bó hẹp đối tượng được mua nhà, thủ tục rườm rà và chỉ được mua nhà để ở. Theo thống kê của Cục Đăng ký và thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong đó, có 64 người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà tại Việt Nam. Đây là một con số khiêm tốn trong tổng số hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Vì thế, việc Hà Nội triển khai Quyết định 13/2013/QĐ-UBND là cần thiết và kịp thời.
Trên thực tế, những dự án cao cấp, hay biệt thự liền kề ở những khu đất vàng thực sự hấp dẫn đối với người nước ngoài. Đây là một nguồn lực tài chính đầy tiềm năng, có thể góp phần “giải cứu” thị trường đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, chính sách này sẽ không bóp méo thị trường như việc sử dụng đến các gói cứu trợ từ Chính phủ.
Theo chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi, thực tế ở Việt Nam cũng đã thực thi chính sách này một cách gián tiếp từ lâu, kể từ khi nền kinh tế mở cửa thị trường và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Một nhà đầu tư nước ngoài, được quyền mua cổ phần tại một tập đoàn kinh doanh có các tài sản địa ốc, đương nhiên, cũng đã gián tiếp sở hữu các tài sản địa ốc được cấp sổ đỏ của tập đoàn đó. Vậy tại sao chúng ta lại quan ngại chuyện cấp sổ đỏ nhà ở, đất đai cho cá nhân người nước ngoài? Trong khi sau khi được cấp sổ đỏ, các cá nhân người nước ngoài cũng đâu thể mang tài sản chủ quyền của mình đi qua đất nước khác, nếu họ không bán lại tài sản?
Ông Nhi cho rằng, chính sách được ban hành xét trên bình diện thương mại, ít nhất cũng cho thấy một sự cởi mở và thay đổi tích cực từ các nhà quản lý. Nhưng sâu xa đối với nền kinh tế, để nó có một ý nghĩa thật sự, hiệu ứng thật sự, sẽ phải còn cải tiến, cởi mở và thay đổi nhiều hơn nữa, từ cả tâm lý ứng xử lẫn chính sách đối với người nước ngoài. Một sự bình đẳng tương đối trong mọi chính sách giữa người Việt Nam và người nước ngoài, không loại trừ sự bình đẳng trên thị trường địa ốc, mới thực sự là cải cách cơ bản để thu hút người nước ngoài tham gia đầu tư sâu trong nền kinh tế nói chung, và gia tăng nhu cầu đầu tư, sở hữu địa ốc nói riêng.
Bảo Nam (Công Lý)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.